Chuẩn bị sẵn thuốc ngày Tết cho trẻ

06:45, Chủ nhật 26/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Những ngày nghỉ Tết, các bé không chỉ ăn uống thất thường, sinh hoạt đảo lộn mà còn có những chuyến đi chơi xa. Những hoạt động đó có thể làm cho bé cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và ốm. Vì vậy, ngoài việc mua sắm những thực phẩm Tết, các mẹ có con nhỏ cũng nên chuẩn bị một số loại thuốc thông dụng để sử dụng ngay khi cần.

Thuốc cảm

Khi bị nhức đầu, sổ mũi mà không có thuốc uống bạn sẽ rất khó chịu. Trong khi đó, ngày Tết, mọi người thường chủ quan đi chơi không đội mũ nón, che khẩu trang… nên rất dễ bị cảm. Cần uống thuốc ngay khi mới có dấu hiệu cảm để bệnh không bị nặng hơn.

Gừng cũng có tác dụng chữa cảm lạnh rất tốt. Sau khi bị nhiễm lạnh được uống một ly trà gừng nóng bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn.

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Theo các chuyên gia y tế, đây là loại thuốc không thể thiếu nếu gia đình bạn. Bởi vậy mà tủ thuốc nhà bạn nên có paracetamol dùng cho người lớn và trẻ em. Thuốc này có ở dạng bột và dạng viên, tác dụng giảm đau, hạ sốt rất an toàn. Nếu dùng aspirin thì chỉ dành cho người lớn và không dùng cho người có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa.

Đối với trẻ em, nếu bạn dùng các loại thuốc giảm đau hạ sốt trong 3 ngày không khỏi, trẻ lại có biểu hiện thở khò khè, thở rít thanh quản, quấy khóc, bỏ ăn thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Thuốc trị rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp trong dịp Tết, phổ biến ở những gia đình có trẻ em. Khi trẻ ăn nhiều bánh mứt hoặc các thức ăn chế biến sẵn để lâu ngày dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như: tiêu chảy, đau bụng, nôn,… Bạn cần chuẩn bị một số dung dịch bù nước ở dạng gói bột như Hydrite và Oresol. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc.

Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị thêm một vài loại men tiêu hóa, giúp ổn định hệ vi khuẩn đường ruột cho các thành viên trong gia đình.

Ngày Tết ăn uống thất thường có thể khiến bạn đau bụng. Ngoài sử dụng kháng sinh, bạn có thể sử dụng bài thuốc dân gian là thái vài lát gừng cho vào nước trà nóng uống để giảm bớt triệu chứng khó chịu này.

Trường hợp bị trướng bụng, bạn dùng 1-2 tép tỏi giã nhỏ đắp lên rốn, để trong 2 phút thì bỏ tỏi ra sẽ cải thiện được tình hình.

Thuốc dị ứng

Những thực phẩm lạ, hoặc chứa nhiều hải sản, hoặc uống nhiều rượu bia, chất kích thích có thể khiến bạn bị dị ứng. Biểu hiện của dị ứng rất khó chịu, ban đầu là ngứa, sau đó là nổi mẩn đỏ khắp người, nóng gan, bứt rứt chân tay. Bạn cần cần chuẩn bị thêm một số thuốc chống dị ứng thông thường để đề phòng trường hợp tết khó mua.

Thuốc chống say tàu, xe

Với những chuyến chúc tết, du xuân xa mà gia đình bạn bắt buộc phải di chuyển bằng tàu xe, bạn cần có thêm thuốc chống say tàu, xe. Tốt nhất, sử dụng trước khi lên xe 30 phút để thuốc đạt hiệu quả cao, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thuốc trị vết thương ngoài da

Ngoài những thuốc kể trên, bạn cũng nên dự trữ một vài lọ nước oxy già (eau oxygénée), Povidine để rửa và sát trùng vết thương do chấn thương nhẹ. Nếu không có sẵn, có thể dùng nước muối (một muỗng canh muối gạt bằng pha trong 1 lít nước) để rửa sạch vết thương.

Vài miếng Urgo cũng giú bạn phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay, hoặc để dán lên vết thương trầy xước da, chảy máu ít.

Với những người bị một số bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… luôn cần phải dự trữ sẵn thuốc. Tuy đã có thuốc dự phòng nhưng người bệnh cần lưu ý, không được “dễ dãi” trong ăn uống, ăn quá nhiều kẹo bánh, uống rượu bia… khiến huyết áp, đường huyết bị lên đột ngột rất khó kiểm soát.

Sử dụng tủ thuốc gia đình an toàn

- Khi mua thuốc, cần nhờ dược sĩ tư vấn về cách dùng, liều dùng. Luôn xem kỹ hạn sử dụng (ít nhất còn 1 - 2 năm), không mua thuốc bị vỡ vụn, bao bì bị nhàu nát.

- Đặt tủ thuốc ở xa tầm tay trẻ em, nên có khóa. Cất giữ thuốc nơi thoáng mát, cao ráo, nhiệt độ lý tưởng là 25 độ C.

- Cất giữ thuốc còn nguyên bao bì kèm bảng hướng dẫn sử dụng. Đối với thuốc rời nên để trong chai lọ, đậy kín nắp. Mỗi loại thuốc nên dán nhãn ghi tên thuốc, cách sử dụng cụ thể.

- Trường hợp trong nhà có người bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... thuốc chuyên khoa nên được bảo quản riêng trong tủ thuốc.

- Sau khi dùng thuốc tại nhà mà tình trạng không bớt, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy