Với cuộc sống gấp gáp, xô bồ, một bộ phận không nhỏ trong xã hội bị biến chất, thái hoá đạo đức. Không ít người cho rằng, những người thành thật thì chỉ có chịu thiệt cả đời, nhưng thực tế từ những gì cổ nhân truyền lại, thì thành thật không hề lỗ vốn chút nào.
Cổ nhân thường khuyên răn con cháu rằng: “Thành thật không bao giờ lỗ vốn” hay “ thật thà là cha khôn khéo”. Con người nên sống thật thà, trung hậu, giữ chữ tín. Cuộc đời này mọi thứ đều tuân theo luật nhân quả. Người mà không tốt thì rất khó kiếm được tiền, trái lại người trung hậu thành thật thì sẽ không bao giờ lỗ vốn, hơn nữa việc làm ăn càng ngày càng thuận lợi, phát đạt. Bởi khi một người mất đi đức tính thành thật thì sẽ mất đi sự tín nhiệm của người khác. Công việc làm ăn của người mất đi thành tín cũng sẽ ngày càng khó khăn, thậm chí là suy bại.
Trong dân gian lưu truyền câu chuyện rằng vào thời xưa, lúc một cân còn được tính là mười sáu lạng. Ở làng nọ có hai cửa hàng bán gạo tên là Vĩnh Xương và Phong Dụ. Ông chủ của cửa hàng Phong Dụ cảm thấy việc làm ăn không được tốt lắm nên đã nghĩ ra nhiều cách để kiếm nhiều lợi nhuận hơn. Một hôm, ông ta cho mời người thợ sửa cân đến nhà để tránh mọi người nhìn thấy và nói với người đó rằng: "Làm phiền ông chỉnh cho tôi cái cân thành mười lăm lạng rưỡi một cân, tôi sẽ trả thêm tiền". Người thợ sửa cân này vì được một xâu tiền nên đã quên mất đức hạnh của mình, liền đồng ý.
Lúc ông chủ hàng gạo nói với người thợ sửa cân thì cô con dâu đang ở trong phòng thêu thùa may vá, nghe được toàn bộ câu chuyện. Sau khi ông chủ cửa hàng rời đi, cô con dâu suy nghĩ một lát rồi đi tới phòng khách nói với ông thợ sửa cân: "Cha của tôi đã nhiều tuổi rồi nên có chút hồ đồ, những lời nói vừa rồi nhất định là nói nhầm. Xin ông hãy chỉnh chiếc cân thành mười sáu lạng rưỡi một cân, tôi sẽ trả cho ông hai xâu tiền, nhưng đừng để cho cha tôi biết". Người thợ sửa cân đã đồng ý.
Chiếc cân mười sáu lạng rưỡi một cân nhanh chóng được hoàn thành mà ông chủ quán gạo Phong Dụ không hề nghi ngờ, liền đem cân ra quán gạo sử dụng. Một thời gian sau, cửa hàng gạo Phong Dụ làm ăn ngày càng phát đạt hơn. Khách hàng của cửa hàng gạo Vĩnh Xương cũng dần dần chuyển sang cửa hàng Phong Dụ để mua gạo. Tiếng lành đồn xa, người ở phía tây và phía đông của khu phố cũng bỏ gần tìm xa, đến cửa hàng Phong Dụ để mua gạo. Trong khi đó, cửa hàng gạo Vĩnh Xương ngày càng vắng bóng người đến mua hàng nên đã phải đóng cửa.
Đêm giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau cùng ăn sủi cảo. Ông cao hứng bảo mọi người đoán xem bí quyết giúp cửa hàng phát tài là gì. Mỗi người đưa ra một ý kiến khác nhau, người nói là có ông trời phù hộ, người nói vì ông chủ biết cách quản lý, người nói vì cửa hàng có vị trí đẹp, cũng có người nói đó là do cả nhà đã đồng tâm hiệp lực. Lúc này ông mới thú thực: “Mọi người nói đều không đúng. Ta chính là dựa vào cái cân mà phát tài đấy! Mỗi cân mười lăm lạng rưỡi, mỗi một cân gạo bán ra lãi được nửa lạng, mỗi ngày bán mấy trăm mấy ngàn cân thì sẽ lãi được mấy trăm mấy nghìn đồng, tích lũy lâu dần sẽ phát tài”.
Con cháu trong nhà vừa nghe xong thì kinh ngạc, quên cả ăn bánh khen ông thật sư cao minh khiến ông vô cùng cao hứng, đưa tay vuốt râu, cười nói trong vui vẻ.
Lúc này cô con dâu đang ngồi trên ghế từ từ đứng dậy và nói với bố chồng: "Con có việc này muốn nói cho cha biết. Trước khi nói với cha, con mong cha hứa sẽ thứ lỗi cho con". Người cha gật đầu đồng ý. Cô con dâu chậm rãi kể lại câu chuyện lúc trước đã đem hai xâu tiền cho thợ sửa cân để chỉnh chiếc cân thành một cân mười sáu lạng rưỡi cho mọi người trong nhà cùng nghe. Cô còn nói: "Cha đã nói đúng là dựa vào cái cân mà nhà ta được phát tài. Tuy rằng mỗi một cân chúng ta thiệt đi nửa lạng nhưng khách hàng biết chúng ta buôn bán thật thà, sẽ tự nguyện đến mua gạo của chúng ta. Như thế dù mỗi một cân chúng ta chỉ lãi được một số tiền nhỏ nhưng vì bán được nhiều hơn nên số tiền lời thu được sẽ nhiều hơn. Cho nên chúng ta hưng thịnh là dựa vào sự thành thật". Điều quá bất ngờ khiến ông chủ cửa hàng gạo ngây người, không nói được lời nào.
Ngày hôm sau, ăn xong bữa cơm sáng đầu năm mới. Ông chủ cửa hàng gạo triệu tập con cháu đến, lấy ra một chiếc chìa khóa và nói: "Cha già rồi. Đêm qua cha đã suy nghĩ kỹ rồi, quyết định từ nay trở đi cha sẽ giao lại cửa hàng lại cho con dâu. Sau này mọi việc cha cũng nghe theo con".
Câu chuyện xưa muốn nói với chúng ta rằng đạo lý “Thiện hữu thiện báo” là chân thật, không một chút sai lệch. Một người có tâm sáng như gương, luôn coi trọng chữ “thành” thì làm việc gì cũng thuận lợi và hưng thịnh.