Theo đó, có bà mẹ tên là Nikki (một bà mẹ 2 con) - người điều hành Trung tâm Tiny Hearts Education chuyên cung cấp các khóa học về hô hấp nhân tạo và sơ cứu trẻ sơ sinh ở Úc. Chị này đã chia sẻ đoạn clip khi giúp cậu trai út Wolf tống hạt đậu ra khỏi mũi.
Được biết, trong lúc đang chơi, cậu bé đã hiếu động, nhét một hạt đậu vào trong mũi của mình, nhưng lại chưa biết xì để hạt đậu tự văng ra. Chị đã hoảng sợ trong 2 giây và ngay lập tức chị nhớ ra một kỹ thuật hôn để tống dị vật ra ngoài.
Mẹo nhỏ này được chị Nikki gọi là "nụ hôn của mẹ" với mục đích giúp các ông bố bà mẹ đẩy dị vật khỏi mũi cho bé mà không mất thời gian đưa con đi bác sĩ.
Cách thực hiện "nụ hôn của mẹ" đơn giản mà chị Nikki chia sẻ như sau:
+ Mẹ sẽ dùng miệng của mình lấp kín miệng của con để bịt kín không khí.
+ Đồng thời 1 ngón tay của mẹ đè thật chặt lên cánh mũi bên không có dị vật của con.
+ Mẹ sẽ thổi một luồng khí ngắn nhưng đủ mạnh để khiến hạt đậu văng ra ngoài.
Đoạn clip ghi lại thủ thuật nhỏ của bà mẹ đã nhận được rất nhiều lời tán thưởng của cư dân mạng. Họ đồng loạt gửi lời cảm ơn chị Nikki đã giúp nhiều ông bố bà mẹ khác có thêm kiến thức sơ cứu khi phát hiện con bị dị vật trong mũi.
Cách xử trí khi trẻ bị mắc dị vật đường thở:
Theo bác sĩ Chuyên khoa I Đoàn Thị Thanh Hồng (Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2), việc gây tắc đường thở, dẫn tới thiếu ôxy, các dị vật có thể khiến trẻ bị viêm đường thở rất nặng.
Tuỳ theo tình hình, bố mẹ có các biện pháp xử trí phù hợp cho con trẻ khi bị hóc dị vật.
Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, la hét, không khó thở, cha mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện ngay. Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, người hỗ trợ và tiến hành thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ấn ngực được thực hiện như sau: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở.
Người sơ cứu dùng bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai. Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nếu bé còn tỉnh, cha mẹ đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ, đặt 1 bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức, đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm rồi ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần. Sau đó, kiểm tra đường miệng và lấy dị vật (nếu có). Nếu trẻ vẫn bị tắc đường thở, tiếp tục lặp lại động tác ấn bụng như trên.
Nếu trẻ bị hôn mê, bất tỉnh khi tắc dị vật đường thở, người lớn cần đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn mạnh vào dưới xương ức của trẻ từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đợi cấp cứu tới.