Nứt gót chân dẫn tới bong tróc, chai sần, nứt nẻ ở sau chân, có thể gây viêm nhiễm. Tình trạng này thường xảy ra do một số bệnh lý như bị tiểu đường, suy giáp, nhiễm trùng, tắm nước quá nóng, đứng quá lâu, giày chật, xà phòng tắm làm khô da… Do đó để tránh tình trạng nứt gót chân bạn cần lưu ý:
Dưỡng ẩm cho gót chân
Khô vùng da gót chân là nguyên nhân cơ bản dẫn tới nứt gót. Dưỡng ẩm là cách tốt nhất để đảm bảo độ đàn hồi co giãn cho vùng da này giúp cho vết nứt nhỏ dần lại. Bạn hình dung khô da dẫn nứt gót giống như tình trạng một trái chín hồng xiêm bị khô buộc phải nứt ra. Hãy dưỡng ẩm gót chân bằng việc ngâm chân vào nước mát, để chúng mềm lại, sau đó dưỡng và massage gót chân bằng dầu dừa, dầu olive hoặc ngâm với nước hoa hồng.
Tẩy tế bào chết
Tế bào chết ở gót chân bám dày cũng là nguyên nhân dẫn tới nứt gót. Bạn cần tẩy tế bào chết để da vùng này được mềm mại hơn. Tẩy tế bào chết tốt nhất là ngâm mềm gót chân sau đó dùng các loại lá như lá trầu, lá tía tô, nấu chín để nguội vò nát rồi chà xát lên gót chân để làm bong ra các tế bào chết. Bạn cũng có thể dùng đá cuội hoặc lưới tắm để chà gót chân. Tuyệt đối không cậy vẩy gót chân khi chúng đang khô. Sau khi tẩy tế bào chết xong nên dưỡng ẩm cho vùng da này.
Kiểm tra lại cỡ giày
Nếu bạn đang đi giày chật hãy đổi lại cỡ giày. Giày chật là nguyên nhân khiến gót chân bị o bế dẫn tới nứt. Trong giai đoạn gót chân đang nứt nghiêm trọng, hãy ngừng đi giày và chuyển sang đi xăng -đan và đi đế thấp để chân phục hồi.
Tập bài dốc ngược gót chân xuống
Thường xuyên đi giày cao gót, hay kiễng chân khiến gót chân bị thiếu máu nên càng dễ khô nứt. Lúc này bạn nên tập bài hạ thấp gót chân xuống, và vận động nhẹ để máu được lưu thông về gót chân tốt hơn.