Trong mùa dịch Covid-19, những hoạt động, chương trình từ thiện ở TP.HCM đã hỗ trợ không ít cho người lao động nghèo về vật chất lẫn tinh thần.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", người có ít góp ít người có nhiều giúp nhiều, khiến tinh thần tương thân tương ái của người dân Sài Gòn càng được ngưỡng mộ và khen ngợi. Tuy nhiên, vẫn có một số tình huống bên lề phát sinh trong hoạt động này khiến dư luận tranh cãi.
Cụ thể, mới đây mạng xã hội lan truyền những đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một điểm phát cơm từ thiện có cấi nhìn không thiện cảm, từ chối giúp đỡ cho những người sơn móng chân, đeo vàng và có vẻ bụi đời.
Theo đó, trong clip thứ nhất, khi thấy một người phụ nữ sơn móng chân đến xin cơm từ thiện, người đàn ông liền đặt vấn đề "Tại sao chị sơn móng chân mà chị lại đi nhận cơm từ thiện?". Người phụ nữ liền trả lời: "Thôi tôi trả tôi không lấy cơm đâu chú. Tôi sơn móng chân từ thiện ở Võ Thị Sáu của người khuyết tật á. Tôi lấy cơm dùm cho người ta chứ tôi không lấy đâu".
Đáp lời, người đàn ông nói "Cảm ơn chị, mình không tốt như vậy đâu". Sau đó, anh cho biết có nhièu người nếu không phát cơm thì bị chửi và lí do để người làm từ thiện từ chối là vì họ sơn móng chân.
Đoạn clip thứ 2, trong khi những người nghèo đang xếp hàng để nhận cơm, một người đàn ông cầm loa đã đuổi một nam thanh niên và một người phụ nữ ra khỏi hàng. Nam thanh niên ngỡ ngàng hỏi tại sao thì nhận được câu trả lời là không phát cho người bụi đời. Còn người phụ nữ, nguyên nhân vì đến sau nhưng chen hàng lên trước.
Bên cạnh đó, phát hiện một phụ nữ đeo vòng vàng, họ cũng từ chối tiếp nhận khiến chị này bực mình "Thà là không cho, chứ đừng nói tui xin 2 lần". Không phát cơm cho người lấy cơm đi bán,...
Ngay khi những clip này được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý của dân mạng. Mọi người chia thành 2 luồng ý kiến trước câu chuyện này.
Người cho rằng, của cho không bằng cách cho. Những người từ thiện có định kiến như vậy là sai, nếu như có đối tượng muốn lợi dụng thì sau này họ sẽ nhận hậu quả. Tin tưởng và trao đi để tâm hồn mình không cảm thấy tội lỗi mới là việc nên làm.
Ngược lại, không ít ý kiến bày tỏ, người ta đi từ thiện thích cho ai thì cho và người ngoài không hiểu chuyện, không thể đánh giá ai sai hay đúng.
"Không rõ thực hư. Hóng ai ở gần đó nhiều chuyện tui nghe với";
"Ai cũng khó khăn, nhưng không quá khó khăn thì hãy nhường cơ hội cho những người khó khăn hơn mình. Nếu lấy hộ thì nói một lời mà. Người ta làm từ thiện cũng không phải quá dư thừa và càng không phải trách nhiệm của họ. Những người thật sự cần họ trân trọng và làm cho người từ thiện cảm động lắm chứ không phải như những người khá giả nhưng có cứ lấy chả tội gì đâu ạ";
"Làm từ thiện là tâm từ, ai đến nhận mình đều mở lòng ra đối đãi, người ta có làm sai trái thì người ta bị nghiệp, chứ cho vậy mà hạch hỏi thì đâu còn lòng từ bi", dân cư mạng thể hiện quan điểm.