Sau album đầu tay “On My Way”, 3 năm để cho ra sản phẩm tiếp theo “Run” là một sự cố gắng không nhỏ của Đinh Mạnh Ninh khi vừa đi hát duy trì cuộc sống, vừa trở thành “nhà hoạch định tài chính” để theo đuổi dòng nhạc R&B đầy đam mê của mình. 3 năm là khoảng cách đủ dài để công bố một sản phẩm mới nhưng với chừng ấy thời gian để sáng tác 9 ca khúc trong đó lại là nỗ lực đáng nể của ca sĩ "Hà Nội trà đá vỉa hè".
Sau 2 tuần phát hành CD “Run”, anh nhận thấy phản hồi của khán giả ra sao?
Tôi thấy khá tốt, hơn cả đĩa 1. Sau 2 tuần được up lên mp3.zing đã có gần 400.000 lượt nghe. Ở CD trước, khán giả thích bài “Dù có cách xa” nhưng trong đĩa này có nhiều bài được thích hơn.
Xu hướng bây giờ nhiều ca sĩ chọn phát hành single hoặc MV chứ không làm album, vừa mất thời gian vừa tốn kém hơn. Sao anh không chọn cách này?
Tôi nhận thức được điều này chứ. Ra single hoặc MV có ưu điểm là duy trì được tên tuổi của mình liên tục, nhưng khuyết điểm cũng không ít. Khi người nghệ sĩ muốn có một sản phẩm âm nhạc chính quy thì đó sẽ là một CD, được in ấn và phát hành. Giá trị của sản phẩm vì thế được nhân lên rất nhiều lần chứ không phải là một sản phẩm trôi nổi trên Internet. Phát hành online thì nhanh nhưng chất lượng trong sản phẩm đó rất kém. Khi chia sẻ trên mạng thì người ta không chia sẻ file nhạc chuẩn (lossless), còn khi cầm đĩa nhạc trên tay thì mọi điều kiện về âm thanh được giữ nguyên và không bị nén xuống. Nhạc của VN khi làm đã kém hơn so với nước ngoài rồi, đã thế lại ắp lên mạng nữa thì dải tần đang rộng như thế sẽ bị thu hẹp, tiếng bị méo đi rất nhiều. Tôi chấp nhận lâu để mang đến một sản phẩm chất lượng hơn.
Thông qua các sản phẩm, con đường anh đang đi, tôi hiểu là anh có mong muốn làm nghề một cách tử tế, nhưng như thế thì khó khăn sẽ không ít. Anh có lường trước được điều này không?
Khi làm việc một cách nghiêm túc, tử tế, nghĩa là họ đang hướng đến một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, người của công chúng và một nghệ sĩ chưa hẳn đã giống nhau. Người của công chúng thì đa phần phải chiều lòng khán giả nhưng khi làm nghệ sĩ nghĩa mình mang cái tôi cá nhân ra để phục vụ đại chúng, tô điểm vào bức tranh chung chứ không đặt ra mục tiêu là phải chinh phục được bao nhiêu khán giả. Nhưng như thế cũng có nghĩa là tôi sẽ không có đại đa số như việc đi theo dòng nhạc dễ nghe của số đông. Tôi muốn dung hòa hai điều này, vừa đáp ứng được nhu cầu nghệ thuật của chính mình nhưng cũng làm sao để gần nhất với cuộc sống nhất để sáng tác.
Ví dụ trong CD "Run", có câu chuyện hết sức đời thường, như bài “Phi công”. Phi công là một khái niệm nghề nghiệp nhưng nó còn có nghĩa khác là người trẻ yêu phụ nữ lớn hơn mình. Hay như bài “Cuộc gọi” là tình yêu không dám nói thành lời của một chàng trai...
Hình như anh đang mượn từ “phi công” để nói về nghĩa bóng của nó nhiều hơn thì phải?
Tôi có nhiều người bạn là phi công thật nên cũng hiểu về công việc này. Nhưng đúng là nó cũng phản ánh cả nghĩa thứ hai, vì trước đây bạn gái của tôi cũng là người hơn tuổi. Thế nên trong bài có câu với ý nghĩa “hai trong một”: “Vì tôi thấy sao tôi thật bé nhỏ, những lúc bên em và trong những nụ hôn”. Khi một người phi công đứng trước máy bay thì họ sẽ thấy mình rất nhỏ bé nhưng vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cả chuyến bay. Cũng giống như khi yêu một cô lớn lớn thì thấy lúc nào cũng trẻ con hơn người ta nhưng lại luôn có suy nghĩ phải chứng tỏ mình là một người đàn ông chuẩn, đủ sức che chở cho họ, dù họ lớn tuổi hơn mình thật.
Hướng đến khán giả trẻ thì sẽ có một lượng fan đông đảo, nhưng những ca khúc này thường chỉ toàn chuyện yêu đương, nhớ nhung, thất tình...?
Tôi năm nay mới 26 tuổi, những sáng tác của tôi chắc chắn phải nhìn qua lăng kính của người trẻ. Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật phải gần gũi công chúng thì mới sống được chứ không thể duy nghệ thuật. Đại đa số khán giả bây giờ muốn nghe những cái phải hiểu ngay. Nhạc xưa sở dĩ nhiều người thích và đến giờ vẫn sống được là bởi nó dễ nghe, dễ hiểu. Tôi vẫn đi theo dòng nhạc R&B nhưng ngoài ra còn lồng thêm dòng khó nghe hơn là R&B funky chứ không đơn giản chỉ là pop, pop-ballad, rock. Những dòng nhạc có tiết tấu một tí là họ không nghe nhiều. Thế nên tôi cố gắng đưa những nội dung của đời sống vào dòng nhạc mới để dung hòa cái quen và cái chưa được phổ cập nhiều. Chắc chắn là cách tiếp cận như thế này thì sẽ lâu hơn nhưng tôi hi vọng khán giả chịu khó nghe nó.
Nhưng như anh nói, khán giả bây giờ chỉ thích những gì nhanh, trong khi anh lại muốn khán giả chịu khó nghe thì có vẻ hơi mâu thuẫn?
Nếu mà tôi chọn một con đường đi dễ dàng thì bây giờ tôi đã có nhiều sản phẩm hơn, nhiều CD hơn và toàn nhạc pop để được tiếp nhận nhanh hơn. Con đường tôi chọn là hướng tới một nghệ sĩ thực sự chứ không đơn thuần chỉ là “người của công chúng”.
Làm nghệ thuật, nếu không sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thì thành công sẽ đến chậm và ít có lợi thế. Anh có nghĩ thế không?
Tôi không nghĩ vậy. Nếu chẳng may tôi sống trong gia đình nghệ thuật thì tôi sẽ có nhiều điều kiện, được tiếp xúc với nghệ thuật, có cơ hội để trau dồi nhiều. Điều đó rất tốt. Nhưng liệu rằng trong môi trường đó thì tôi có sự va chạm, có thể tự lập hay không? Tôi không sinh ra trong môi trường nghệ thuật, nhưng tuổi thơ của tôi thì đầy chất thơ, đó là có những chiều hai mẹ con dải chiếu trên bờ đê nằm, nghe mẹ hát bằng những câu ca dao. Không ai biết được tương lai ra sao nếu được đặt trong một gia đình khác, cho nên tôi chưa bao giờ có cảm giác thấy mình yếu thế hơn khi sinh ra trong gia đình nghèo. Thậm chí, tôi nhìn nhận thấy có rất nhiều bạn bè của tôi sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nhưng họ không có sự cố gắng và họ không bị khổ.
6 năm theo nghề, nếu tính về vật chất thì anh đã làm được những gì?
Tôi tạm hài lòng với mình vì đã nuôi được bản thân và bố mẹ. Điều bố mẹ vui và tự hào nhất ở tôi là tính tự lập cao. Khi đi thi đại học, các bạn có bố mẹ lo lắng từng tí một thì tôi một mình xuống Hà Nội đi thi. Đến bây giờ cũng vẫn thế. Nhưng nhà, xe ô tô thì tôi vẫn chưa có. Tiền thì cũng vừa phải thôi.
Có thấy sốt ruột không khi mà bạn bè đã có cái này cái kia, còn mình vẫn mới chỉ “tạm hài lòng”?
Đôi lúc nhìn những bạn đồng nghiệp có bước khởi đầu giống mình nhưng đã tiến xa hơn, có thu nhập tốt hơn, nhiều fan hơn thì đôi lúc cũng thấy nản chứ. Xét về nghề thì tôi có nhiều giải thưởng lớn ở sân chơi chuyên nghiệp như Sao Mai Điểm hẹn, Bài hát Việt...Đó là điều mà nhiều người không thể có dù họ có nhiều fan hơn, giàu hơn tôi. Con đường tôi đi không thể nhanh được đâu. Nếu không hát được nữa thì tôi chuyển hướng là producer (nhà sản xuất) vì tôi có thể sáng tác, có thể định hướng được phong cách cho mình, cho các bạn trẻ mới.
Nhân nói tới Sao Mai Điểm hẹn. Sau giải thưởng Ca sĩ triển vọng, anh có khát vọng đưa nhạc Việt vượt ra ngoài biên giới. Sau 5 năm, anh có thấy mong muốn đó là xa vời không?
Tôi không thấy xa vời mà thấy nó khó khăn thì đúng hơn. Bởi vì chưa chắc việc phổ cập nhạc ra ngoài đã khó hơn ở trong nước. Dòng nhạc của tôi trên thế giới đã rất quen thuộc, nhưng ở Việt Nam lại không mạnh bằng pop, rock. Cái này không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà là của các bạn nước ngoài của tôi. Phổ biến ra nước ngoài thì có cái khó là ngôn ngữ, nhưng bây giờ, việc viết nhạc bằng tiếng Anh không còn quá khó nữa. Thứ hai là phương tiện truyền tải thì hiện cũng đã có một số nghệ sĩ tìm cách bán nhạc trên iTunes. Thứ 3 là mình không thể phát nhạc Việt Nam trên MTV châu Á. Quan trọng là phải thắng ở trong nước trước đã.
Theo anh thì vì sao chinh phục khán giả trong nước lại khó hơn?
Như tôi đã nói, vì trong nước chỉ thích nghe những cái quen, nghe cái là hiểu ngay. Khi tôi ngồi một quán café vỉa hè, chủ quan bật nhạc nhưng vặn hết bass đi, nghĩa là mất hẳn âm trung và âm trầm. Chỉ nghe giai điệu và lời. Tôi hỏi thì chủ quán bảo chỉ cần hiểu nghĩa là được rồi. Nhưng người ta quên mất là âm nhạc có 2 phần: giai điệu và ca từ nhưng 60% đóng góp vào thành công của bài hát là phần phối khí. Đôi lúc, việc phối khí còn khó hơn nhiều việc viết nhạc nữa. Nhưng khán giả chỉ quen nghe những gì mình đã nghe và nghe những gì mình hiểu, còn để biết những cái sâu hơn rằng ở trong bản nhạc đó là những âm thanh, đạo cụ gì thì họ không có nhu cầu tìm hiểu. Nếu chỉ chạy theo xu hướng, thấy cái gì đang nóng thì viết. Đó không phải là âm nhạc mà là chạy theo số đông.
Những người đang viết biển đảo hiện nay cũng là chạy theo xu hướng số đông sao?
Đó lại không phải xu hướng mà vận mệnh của dân tộc. Nghệ sĩ không thể tách ra khỏi đời sống xã hội đang sôi động như thế. Xu hướng thường mang tính thực dụng hơn, nghĩa là thấy cái gì đang “ăn” thì đi theo. Còn nghệ sĩ hát và sáng tác về Hoàng Sa thì không phải là để kiếm tiền, vì toàn hát miễn phí để để ủng hộ. Ngay như hôm qua, tôi vừa đi hát mấy chương trình, “cat-sê” của tôi là tiền ăn 200 nghìn mà tập từ sáng. Nhưng chúng tôi vẫn làm, vì tình yêu tổ quốc.
Cảm ơn ca sĩ Đinh Mạnh Ninh!