Đừng để "mất con" vì smartphone, máy tính bảng

12:00, Thứ hai 25/04/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhu cầu của cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển. Thiết bị điện tử thông minh là sự lựa chọn của nhiều người nhưng không phải là con trẻ.

Con trẻ đang được tiếp xúc với các thiết bị thông minh quá sớm

Theo báo cáo kết quả dự án khảo sát xã hội về “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội (Hội Dân tộc học - Nhân học TP.Hồ Chí Minh) và Công ty Nghiên cứu thị trường Epinino năm 2015, khảo sát trên 4.308 trẻ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy: Có 19% trẻ dưới 3 tuổi đã được tiếp cận với các thiết bị thông minh; trẻ từ 3 - 5 tuổi chiếm 59%. Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4 - 7% vào các ngày nghỉ, lễ, tết).

Báo cáo của Google năm 2015, trung bình người Việt mở điện thoại 150 lần/ngày - con số này tương đương với mỗi giờ mở máy từ 6-7 lần.

Xin đừng để
 Ảnh minh họa

Nhiều phụ huynh thường cho con trẻ chơi điện thoại, máy tính bảng để có thời gian lo lắng việc nhà (nấu nướng, dọn dẹp)... Cứ nhiều lần như vậy đã tạo cho trẻ thói quen lúc nào cũng muốn chơi với các thiết bị đó. Nhiều trẻ khi ngồi vào mâm cơm cũng phải giữ khư khư bằng được các thiết bị thông minh mới chịu ăn, sáng thức dậy phải đợi bố mẹ mở hoạt hình cho xem mới tỉnh ngủ...

Báo chí đã từng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ chậm nói, sợ hãi tiếp xúc với người khác, hay nhõng nhẽo, khóc lóc...nhưng chỉ cần cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hay Ipad là lập tức "ngoan" ngay. Đến khi đưa con đi khám mới ngã ngửa phát hiện con bị "tự kỷ", nguyên nhân là do con quá ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không có ai để học nói, học giao tiếp...

Không chỉ những đứa trẻ ở các đô thị, thành phố lớn, nhiều trẻ em ở khu vực nông thôn cũng đang bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi những thiết bị công nghệ số hiện đại. 

Mới đây nhất, em Nguyễn Văn Phương, học sinh lớp 10 tại Lục Ngạn, Bắc Giang cũng vừa bị bố mẹ thu điện thoại vì chơi điện tử mất 400.000 đồng/tháng, học hành chểnh mảng, còn ăn trộm tiền của mẹ mua thẻ điện thoại.

Phụ huynh cần quy ước thời gian sử dụng thiết bị công nghệ với con trẻ

Thạc sĩ Lê Đức Trung  - giảng viên Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, cả bố mẹ và con cái cần ngồi lại để cùng nhau tìm ra những biện pháp khoa học nhất kiểm soát và thống nhất nguyên tắc việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong gia đình. 

“Cha mẹ bảo vệ nhưng không nên xâm phạm quyền riêng tư của con. Cách tốt nhất là cha mẹ cùng con tìm hiểu về Internet, tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin và tạo bầu không khí gần gũi để con sẵn sàng chia sẻ những vấn đề đang gặp phải”. - ông Trung nói.

Phụ huynh lưu ý đặc biệt hạn chế ý định sử dụng các phần mềm để theo dõi con.

Xin đừng để
 Khảo sát tại Việt Nam

Cũng đồng quan điểm, Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga (Trường Phổ thông liên cấp Olympia) cho rằng: "Bố mẹ có thể đặt vấn đề quy ước thời gian sử dụng thiết bị công nghệ với con trẻ. Quy ước này cần được thiết lập dựa trên việc lắng nghe và trao đổi để các con không cảm thấy bị áp đặt, kiểm soát".

Hiểm họa khôn lường khi cho con chơi smartphone, máy tính bảng

Theo nhiều nghiên cứu, việc cho trẻ sử dụng các thiết bị di động có tác hại rất xấu tới sự phát triển của trẻ về sau:

- Hạn chế khả năng giao tiếp: Điện thoại và máy tính bảng kèm theo thế giới những trò chơi phong phú, đa dạng rất dễ gây nghiện đối với trẻ. Và điều này khiến trẻ dần dần tách ra khỏi các mối quan hệ xã hội thông thường, ngay cả với cha mẹ.

Việc nghiện thiết bị di động cũng khiến trẻ chậm phát triển các khả năng giao tiếp. Tập trung quá nhiều vào các thiết bị công nghệ, trẻ em ngày nay chủ yếu giao tiếp qua những thiết bị công nghệ hiện đại mà gần như không phát triển các kỹ năng giao tiếp cơ bản. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới chúng khi lớn lên.

Tạo nên bức tường ngăn cách vô hình với cha mẹ, hạn chế các khả năng giao tiếp cũng như các kỹ năng xã hội là nguy cơ mà trẻ sẽ phải đối mặt nếu như các bậc cha mẹ thường xuyên dùng điện thoại, máy tính bảng để thỏa mãn nhu cầu của con.

- Tăng nguy cơ trầm cảm: Trẻ em sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc xem tivi hơn 2 giờ mỗi ngày có nguy cơ phải đối mặt với những khó khăn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng, hành vi có vấn đề…

Ngoài ra, khi sử dụng nhiều thiết bị di động, trẻ sẽ dễ gặp phải tình trạng “bạo lực Internet”. Những hình ảnh, những bình luận ác ý có thể ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì.

- Ảnh hưởng khả năng học tập: Việc sử dụng điện thoại thông minh tạo cho trẻ thói quen nhấn hoặc chuyển từ một lựa chọn này sang một lựa chọn khác, buộc chúng tập hợp các mẩu nhỏ của thông tin. Điều này sẽ rất có hại đối với sự phát triển tổng thể của não bộ trẻ, theo các nhà khoa học. Chúng tạo cho trẻ thói quen chuyển đổi các chủ đề một cách nhanh chóng và gây ảnh hưởng lớn tới sự tập trung của trẻ.

- Nguy cơ béo phì và suy giảm thị lực: Các trò chơi trực tuyến trên điện thoại hay máy tính bảng đặc biệt gây nghiện. Do đó, sẽ không có gì lạ nếu những đứa trẻ có thể ngồi hàng giờ đồng hồ trước màn hình điện thoại một khi bị cuốn hút vào trò chơi. Và tác hại của điều này là cực kỳ tai hại.

Không chỉ vậy, việc dán mắt vào màn hình smartphone có thể làm suy giảm thị lực ở trẻ. Việc mắt trẻ liên tục phải điều chỉnh để tương thích với màn hình điện thoại cũng sẽ gây ra chứng đau đầu và đau nửa đầu rất sớm ở trẻ.

Tin phụ nữ ngày 25-4: Cô gái lừa tình lấy nhiều xe máy
Tin phụ nữ ngày 25-4: Cô gái lừa tình lấy nhiều xe máy
(Xã hội) - (Phunutoday) - Tin phụ nữ mới nhất hôm nay: Cô gái lừa tình lấy nhiều xe máy, Người phụ nữ trở về sau 22 năm bị bán, Sản phụ tử vong …
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành