Trong đó, số ca nhiễm mới riêng tại TP. HCM là 4.692 ca.
Ngày hôm qua cũng đánh dấu sự phức tạp khi dịch có dấu hiệu xuất hiện đáng lo ngại hơn ở Hà Nội. Cuối chiều Hà Nội đã phải ra thông báo hỏa tốc hạn chế người dân ra đường và kinh doanh các mặt hàng không cần thiết từ 0h ngày 19/7.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đang chuẩn bị cho ‘kịch bản xấu và xấu hơn.
Dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã sẵn sàng cho kịch bản ‘xấu và xấu hơn’
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định: Tình hình dịch ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam có xu hướng diễn biến phức tạp. Ngành y tế đang chuẩn bị tích cực và đồng bộ nhằm giảm số ca bệnh nặng, hạn chế tỷ lệ tử vong.
Bộ Y tế cũng đã tổ chức họp với các tỉnh thành trên toàn quốc để chuẩn bị sẵn cho kịch bản ‘xấu và xấu hơn’. Theo đó, các bệnh viện tuyến huyện và tương đương phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị giường hồi sức. Điều này nhằm làm giảm gánh nặng cho tuyến TƯ.
Hiện, Bộ Y tế ưu tiên tối đa trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực tinh túy nhất đưa về Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để ‘quyết giữ cho bằng được mặt trận này’. ‘Giám đốc BV 1.000 giường có thể được quyền xuất cấp kho này mà không cần xin ý kiến của Bộ, thiếu đâu lấy đó, cùng với lãnh đạo TP. HCM quyết giữ bằng được mặt trận này trong điều trị’, ông Long cho biết.
‘Đầu tuần tới sẽ có khoảng 7 triệu test nhanh về Việt Nam qua các nguồn viện trợ. Bộ Y tế sẽ ưu tiên cho các tỉnh có tình hình dịch phức tạp’, Bộ trưởng nói.
Hiện nay, số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch nhưng vẫn cần mua thêm để dự trữ. Bộ sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu PCR/ngày để hỗ trợ cho địa phương nguy cơ cao. Đồng thời, sàng lọc, tầm soát cả khu vực an toàn.
Bộ Y tế cũng sẽ tính toán nhu cầu dùng thiết bị điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch trong giai đoạn tới.
Chu kỳ chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh gấp 2 – 3 lần. Chu kỳ lây nhiễm cũng rút ngắn nhiều so với trước đây. ‘Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải là 5 ngày như trước đây nữa’, Bộ trưởng nhận định.
Biến chủng Delta đang lây lan nhanh vì tốc độ bám dính với tế bào vật chủ cũng như khả năng nhân lên rất nhanh với số lượng lớn trong tế bào. Chúng nhanh chóng phá hủy tế bào và phát tán mầm bện ra môi trường xung quanh chỉ trong thời gian ngắn. ‘Với tốc độ lây lan nhanh nên trong đợt dịch này, chỉ cần 1 người trong nhà nhiễm bệnh là hầu như những người khác trong nhà đều nhiễm’, ông Long nhấn mạnh.
Hiện nay, các tỉnh phía Nam đặc biệt là TP. HCM đang phải đối mặt với sự bùng phát rất phức tạp của biến thể Delta. Vì thế, rất có thể các ca nhiễm và qua đời sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định: Đợt dịch này sẽ kéo dài hơn các đợt trước nên tác động trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, phát triển kinh tế xã hội trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam.
Bộ Y tế đã tiến hành thành lập Bộ phận thường trực chính đặt ở TP. HCM và 7 bộ phận thường trực đặt ở các tỉnh có diễn biến phức tạp nhằm chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận: Dù đã có các biện pháp quyết liệt và cố gắng trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn nên cần phải cố gắng hơn. Một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16 nhưng chưa thực sự đầy đủ, nghiêm túc, quyết liệt. Đôi khi còn chần chừ, nấn ná. Thậm chí có nhưng nơi áp dụng chỉ thị nhưng vẫn có tình trạng đi lại nhộn nhịp, họp chợ đông đúc… Một số khu công nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của Bộ Y tế. Có địa phương chưa tập trung kiểm tra chặt chẽ, chưa thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.
Bộ Y tế đã nhắc nhở cần chuẩn bị tâm thế cho tình huống dịch lan rộng, kéo dài và phức tạp. Thế nhưng một số nơi vẫn còn lần chần. Một số nơi dù của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra quan điểm ‘4 tại chỗ’ nhưng vẫn trông chờ ỉ lại, ngại mua sắm…
Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, số ca nhiễm tăng rất nhanh. Vì thế, Bộ Y tế đã ra một số chỉ thị trong cách ly như giảm thời gian cách ly tập trung xuống 14 ngày; thí điểm cách ly F1 tại nhà. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành có thể áp dụng theo hướng dẫn nếu đảm bảo đủ tiêu chí và điều kiện,
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thay đổi chiến lược xét nghiệm. Nếu trước đây thực hiện PCR là chính thì nay thực hiện test nhanh là chính. Việc này nhằm làm giảm thời gian, tối ưu hóa xét nghiệm, trả kết quả. Từ đó có thể nhanh chóng tách được F0 ra khỏi cộng đồng sớm nhất.
Bộ Y tế cũng cho phép gộp mẫu test nhanh ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao như TP. HCM. Nhờ vậy mà độ nhạy, độ đặc hiệu của test nhanh gần tương đương với xét nghiệm PCR mẫu đơn. Đồng thời, cho phép các địa phương có thể gộp mẫu 3, 5 trong 1 lần test nhanh tùy vào điều kiên và kỹ thuật lấy mẫu. Đây là sự thay đổi căn bản và quan trọng trong xét nghiệm.
Theo ông Long: ‘Chúng ta cách ly vùng lõi, phong tỏa, vùng nguy cơ rất cao. Thực hiện test 3-5 ngày một lần, khi phát hiện ca nghi nhiễm là lấy mẫu làm ngay PCR khẳng định. Điều này nhằm trả kết quả xét nghiệm càng nhanh càng tốt để giảm tốc độ lây nhiễm với cộng đồng’.
Hiện tại, TP. HCM và một số địa phương đang làm tốt điều này. Tuy nhiên, việc khẳng định dương tính vẫn phải dùng PCR. Với vùng nguy cơ cao chỉ nên gộp 5 vì nếu phát hiện dương tính vẫn phải lấy mẫu đơn để xét nghiệm, rất mất thời gian.
Bộ trưởng Long cũng nhấn mạnh: Các địa phương phải chủ động thực hiện 4 tại chỗ. Bộ Y tế sẽ cấp thêm máy móc và sinh phẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động không nên chỉ trông chờ vào Trung ương. Hiện, Việt Nam cũng đã đàm phán thành công khoảng 170 triệu liều vắc xin từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, vẫn ưu tiên tiêm cho các tỉnh, thành có yếu tố nguy cơ, dịch bùng phát và cần phát triển kinh tế xã hội trước.