Ghê rợn đặc sản cốm Hà Nội bị nhuộm độc

14:00, Chủ nhật 06/04/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hiện nay, thay vì làm thủ công, tỉ mỉ, công nghệ làm cốm thời hiện đại với công đoạn tạo màu cho cốm bằng những hóa chất độc hại lại được chính người dân làm cốm làng Vòng thực hiện công khai, không cần giấu giếm.

Ngon đẹp nhờ hóa chất

Cốm làng Vòng từ xưa là thức quà riêng biệt của người dân Thủ đô. Thức quà ấy mang hương vị tất cả sự đảm đang, cần cù và sáng tạo của người dân làm nông nghiệp.

Song, ngày nay, người dân làng Vòng chẳng còn mấy mặn mà với nghề làm cốm. Người còn trụ lại làm cốm tại làng Vòng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tiếc thay, bây giờ, cốm cũng bị cuốn vào cơn lốc thị trường, thật giả lẫn lộn. Nguy hiểm hơn, người làm cốm còn dùng đủ mọi cách để có hạt cốm dẻo hơn, xanh hơn, kể cả dùng hóa chất.

Trước đây, cốm Vòng được làm rất công phu. Người ta thường dùng lá dong riềng, lá lúa non rửa sạch, giã nát, đun sôi, lọc bỏ cặn bã, lấy nước rồi cô lại. Sau đó, loại nước cô đặc này được pha với một ít nước sôi để phun lên cho cốm có màu xanh tự nhiên.

Nhưng hiện nay, thay vì làm thủ công, tỉ mỉ, công nghệ làm cốm thời hiện đại với công đoạn tạo màu cho cốm bằng những hóa chất độc hại lại được chính người dân làm cốm làng Vòng thực hiện công khai, không cần giấu giếm. Để cốm có được màu xanh bắt mắt, một số người làng đã chuyển hẳn sang dùng phẩm màu, đỡ tốn công lại giữ được màu xanh.

Ngày nay, vì lợi nhuận, người ta đang công nghiệp hóa món cốm truyền thống

Cuối tháng 10/2011, hai mẫu cốm được lấy trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy (Hà Nội) bị phát hiện chứa chất Malachite Green, một hóa chất độc hại từ lâu đã bị cấm sử dụng.

Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, hàm lượng chất Malachite Green trong hai mẫu cốm trên là 5,9mg trên một kg và 1,5mg cho một kg.

Hai mẫu cốm này được lấy tại hai cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đây là chất không nằm trong danh mục quy định phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép và bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm là hai nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất cốm của thành phố. Tại đây, thanh tra Sở yêu cầu 100% các cơ sở phải cam kết không sử dụng các phụ gia cấm, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

MalachiteGreen, còn gọi xanh Malachite, là một hóa chất thường ở dạng bột mịn, có màu xanh, hay dùng để nhuộm các nguyên vật liệu như da, sợi và giấy trong ngành công nghiệp. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây ung thư. Cũng vì thế nó đã bị cấm sử dụng và được kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng có trong thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới.

Cốm nhuộm hóa chất lại gây sốt dân mạng

Trong khi người dân vẫn đang hoang mang với nhiều thông tin cho rằng cốm làng Vòng được nhuộm phẩm màu để có màu xanh bắt mắt, thì mới đây, bức ảnh về quá trình "nhuộm" cốm xuất hiện trên mạng lại càng khiến dư luận xôn xao. 

Bức ảnh ghi lại cảnh một người phụ nữ bán cốm, ngồi nép sau vài chiếc xe máy để đổ một loại nước màu xanh vào chỗ cốm màu trắng, bên cạnh đó là gánh cốm xanh biếc - màu xanh thường thấy của những gánh cốm đẹp mắt trên phố phường Hà Nội.

Bức ảnh khiến cư dân mạng không khỏi giật mình vì cảnh nhuộm cốm bằng tay không
Cốm pha phẩm màu gây sốt cộng đồng mạng (Ảnh chụp từ clip)

Điều khiến cư dân mạng thắc mắc, là thứ gì nằm trong chiếc bình mà người phụ nữ kia đang dùng để nhuộm cốm. Liệu đó có phải phẩm màu công nghiệp độc hại, hay chỉ đơn thuần là nước lá dong, lá dứa - một cách nhuộm cốm dân dã, vô hại?

Trước đó, một video quay cảnh một phụ nữ đang nhuộm cốm bằng một loại hóa chất dạng lỏng tạo màu đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Bức ảnh và video clip trên khiến người tiêu dùng thêm một lần nữa lo lắng vì chất lượng của cốm.

Quy trình làm cốm rất mất vệ sinh

Tại một xưởng cốm, nền nhà thì cáu bẩn, tường thì ẩm mốc, bụi bặm, cốm vương vãi khắp nền nhà đen ngòm.

Theo ghi nhận của PV, quy trình làm cốm ở làng Vòng không sạch như mọi người vẫn nghĩ. Sau khi được rang chín, xát vỏ, hạt cốm vốn chưa có màu xanh và để cốm nhanh chuyển thành màu bắt mắt, người sản xuất "vô tư" sử dụng một thứ phẩm phun lên món đặc sản này. Tại nhiều xưởng sản xuất quy mô, công đoạn nhuộm cốm được thực hiện bằng máy phun sơn để cốm được đều màu. Còn ở những cơ sở nhỏ hơn, người làm dùng…. chổi để vẩy nước phẩm màu lên cốm.

Không những thế, cốm còn được sản xuất ở… nền nhà nhem nhuốc bẩn thỉu, để gom cốm vương vãi trên nền đất khi giã, người ta phải dùng đến… chổi để quét.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Đông