Ngày 22/4, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động như hiện nay, căn cứ bình quân 30 ngày tính giá cơ sở của giá xăng dầu thế giới; căn cứ văn bản đăng ký giá của DN kinh doanh xăng dầu đầu mối; Liên Bộ Tài chính - Công Thương thông báo điều hành giá xăng dầu trong nước theo phương án dưới đây.
Sau nhiều lần giữ giá ổn định, giá xăng đã chính thức được phép tăng.
Tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu. Cùng với đó, ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng (từ 50 đồng/lít xuống còn 0 đồng/lít); mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và mazut giữ nguyên như hiện hành (0 đồng/lít,kg).
Sau khi thực hiện các biện pháp điều hành như trên, áp dụng giảm giá bán dầu mazut, đồng thời tăng giá bán xăng, dầu diesel, dầu hỏa. Do giá thế giới bình quân 30 ngày tăng làm giá cơ sở tăng so với giá bán lẻ hiện hành; thực hiện quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Thông tư số 234/2009/TT-BTC; các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát, tăng giá bán lẻ tương ứng theo quy định; giá bán sau khi điều chỉnh không được cao hơn mức giá cơ sở theo quy định (trong đó, giá cơ sở của xăng RON92: 24.904 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 22.680 đồng/lít; dầu hỏa: 22.480 đồng/lít).
Bảng giá xăng dầu mới từ 12h trưa nay (22/4).
Cũng theo Bộ Tài chính, nếu tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm tối thiểu đối với dầu mazut khoảng 61 đồng/kg; mức tăng tối đa đối với xăng RON92 khoảng 214 đồng/lít, dầu diesel 0,05S khoảng 170 đồng/lít; dầu hỏa khoảng 130 đồng/lít.
Mức giá bán lẻ mới được áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, gồm: các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý, tổng đại lý của Petrolimex.
Việc giảm giá bán dầu mazut không muộn hơn 12h ngày 22/4. Việc tăng giá bán xăng, dầu diesel, dầu hỏa do DN kinh doanh xăng dầu đầu mối quy định, nhưng không sớm hơn 12h ngày 22/4.