Trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ những lời khai của Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của đại gia Cao Toàn Mỹ (SN 1977, Giám đốc Công ty V.C) thì các luật sư đã kiến nghị yêu cầu làm rõ nhiều góc khuất của vụ án như "hợp đồng tình dục", kịch bản vụ án, các nhân vật trong lời khai của Phương Nga.
Có một kịch bản nào không?
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Việt (nguyên Chánh Văn phòng TAND TP.HCM, đã nghỉ hưu) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung phân tích: Trong vụ án này có nhiều góc khuất chưa được làm rõ và cần được Công an, Viện kiểm sát cũng như Tòa án phải làm rõ.
Theo luật sư Hồng Việt, điều cần làm đó là phải làm cho ra lẽ hợp đồng tình dục mà các bị cáo khai tại tòa cũng như nội dung email dung tục lan truyền trên mạng xã hội gây chấn động dư luận trong 10 ngày qua.
Làm rõ được nội dung hợp đồng tình dục này thì nhiều vấn đề sẽ được vén màng và sáng tỏ hơn.
Thêm vào đó, các nhân vật bí ẩn trong lời khai của hoa hậu Phương Nga cũng cần phải được triệu tập như chị Tâm, chị Mai Phương, bốn người đàn ông lạ mà Phương Nga cho rằng là xã hội đen bắt ép ký vào hợp đồng mua bán nhà.
Luật sư Việt đặt nghi vấn, liệu có một kịch bản nào được dựng sẵn để đưa Phương Nga vào vòng lao lý hay không?
Bên cạnh đó, tội danh lừa đảo cũng cần phải được xem xét bởi vì số tiền mà ông Cao Toàn Mỹ chuyển cho Phương Nga từ năm 2012 nhưng đến năm 2015 mới có những giấy tờ giả. Vậy đã hợp với tội danh lừa đảo hay chưa?
Tất cả những vấn đề từ lời khai của hai bị cáo Dung và Nga, lời trần tình của đại gia Cao Toàn Mỹ cần phải được làm rõ để trắng đen được phân minh.
Trong khi đó, luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu rõ: Ở vụ án đình đám này, có 2 vấn đề nổi bật đó là Phương Nga bị truy tố về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và khi ra tòa thì xuất hiện "hợp đồng tình cảm".
Vậy thì Phương Nga có bị khép tội lừa đảo hay không? Nếu thật có "hợp đồng tình cảm" thì xử lý thế nào? Hai vấn đề này có liên quan với nhau hay tách biệt độc lập với nhau?
Có thể "trắng án"?
Ngay trong lời khai tại phiên toà, bị cáo đã tạo ra "cú sốc" khi thừa nhận giữa bị cáo và bị hại có "hợp đồng tình ái" với giá trị là 16,5 tỷ.
Trao đổi với PV Trí Thức Trẻ, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho hay, đến thời điểm này, vụ án đã xuất hiện nhiều tình tiết mới, đó là khoảng 20 bức ảnh được cho là lấy từ email cá nhân của G.C thể hiện nội dung thương thảo quan hệ tình - tiền với cô gái tên Nga.
Nội dung email đề cập tới "hợp đồng tình ái làm vợ 2" trong 7 năm, số tiền "10t" .
Theo luật sư Cường, vụ việc này cần làm rõ "hợp đồng tình ái" mà bị cáo hoa hậu Phương Nga khai tại tòa có phải là thỏa thuận mua bán dâm hay không?
Nếu là hành vi mua bán dâm thì số tiền 16,5 tỷ đồng kia sẽ bị tịch thu sung công quỹ, cả hai bên sẽ bị xử phạt hành chính. Còn người nào chứa mại dâm, môi giới mại dâm sẽ bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp cơ quan điều tra làm rõ "hợp đồng tình ái" mà bị cáo khai ở tòa không phải là một thỏa thuận về quan hệ tình dục có trả tiền.
Việc quan hệ tình dục giữa hai bên là tự nguyện không phụ thuộc vào số tiền mà bị hại đưa cho bị cáo hoặc "hợp đồng tình ái" mà bị cáo khai là không có thật thì bị cáo vẫn có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vẫn phải có nghĩa vụ trả lại người bị hại số tiền đã chiếm đoạt...
"Cơ quan điều tra sẽ phải tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ: Tin nhắn, điện thoại, lời khai người làm chứng, đối chất... để làm rõ thực hư, nội dung của "hợp đồng tình ái" và các tình tiết khác có liên quan thì mới kết luận được vụ việc và mới có căn cứ để tòa án tiếp tục giải quyết vụ án", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, để kết tội hoa hậu Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được hai hành vi của Phương Nga là "thủ đoạn gian dối" và "hành vi chiếm đoạt tài sản". Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì sẽ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Nếu việc Phương Nga nhận tiền thông qua một giao dịch dân sự mà cụ thể là "hợp đồng tình ái" , để nhận được số tiền đó và bị cáo không đưa ra thông tin nào gian dối, giả mạo thì không có căn cứ để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản..
"Bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS là xử lý về hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản một cách bất hợp pháp bằng thủ đoạn gian dối, tác động vào ý chí của người có tài sản bằng các thông tin sai lệch để họ giao tài sản, sau đó chiếm đoạt tài sản đó.
Ở đây, nếu hợp "đồng tình ái" có thật, không có việc Phương Nga đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản thì vụ việc chỉ là quan hệ dân sự, không có căn cứ để kết tội Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị cáo sẽ được trắng án.
Khi đó, vụ việc chỉ là quan hệ dân sự và nếu có tranh chấp trong trường hợp này người bị hại vẫn có quyền yêu cầu bị cáo trả lại số tiền trên theo nguyên tắc giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, tức là bên nào nhận của nhau thứ gì thì phải trả, bên nào có lỗi thì phải bồi thường", luật sư Cường nêu.
Không có tội lừa đảo khi điều tra bổ sung thì thế nào?
Luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: Nếu điều tra bổ sung xác định không có sự lừa đảo mà do ông Mỹ gài bẫy bà Nga để chuyển khoản tiền “tình phí” (đương nhiên ông Mỹ phải trả theo “hợp đồng”) thành khoản tiền “đầu tư làm ăn” thì bà Nga có thể kiện ngược lại ông Mỹ tội “Vu khống”.
Thậm chí, điều tra ra bản “hợp đồng tình cảm” kia là có thật, nội dung xác định được bà Nga - ông Mỹ sống chung như vợ chồng thì còn bị xem xét về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”.
Tuy nhiên, để kết tội trường hợp này phải chứng minh được việc sống chung như vợ chồng này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này rồi mà còn vi phạm.