Bí thư cũng phải đứng
Sáng qua, 12/3, tuyến xe buýt số 48 (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Trần Khánh Dư) xuất hiện một vị khách đặc biệt. Đó là ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông lên xe ở điểm chờ gần khu vực đê Nguyễn Khoái, đi qua 5 điểm đỗ, chừng hơn 20 phút và xuống ở điểm Trần Khánh Dư.
Do là giờ cao điểm sáng nên trên xe buýt 48 khá đông người và hết ghế ngồi, nên Bí thư Hà Nội cũng rất vất vả mới tìm được một chỗ đứng có tay vịn gần cửa xuống. Sau khi ổn định chỗ đứng, trong tư thế tay phải nắm tay vịn, tay trái bám vào cửa kính xe để giữ thăng bằng, ông Nghị bắt đầu trò chuyện với hành khách đứng bên.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trò chuyện với hành khách và nhân viên soát vé trên xe buýt. (Ảnh ANTĐ) |
Bí thư Thành ủy hỏi họ đủ thứ chuyện về thời tiết, nơi ở, chỗ làm việc, vì sao chọn xe buýt là phương tiện đi lại trong thành phố, có đi thường xuyên (dùng vé tháng) hay đi vé lượt, họ đánh giá như thế nào về an ninh, an toàn trên xe buýt... Và đặc biệt quan tâm đến nhìn nhận của hành khách về chất lượng dịch vụ trên xe buýt. Chỉ trong thời gian chừng 20 phút, Bí thư Thành ủy đã kịp “bắt chuyện” với 3 hành khách trên xe.
Những thông tin thu thập được trong 3 cuộc trao đổi nhanh trên xe buýt đã được Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu ra ngay trong cuộc làm việc sau đó với Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco): “Tôi hỏi nữ hành khách trên xe buýt sáng nay rằng, trong suốt 8 năm cô ấy đi xe buýt, có từng bị trộm cắp hay rạch túi không? Cô ấy nói “không”. Tôi lại hỏi đã từng nhìn thấy người khác bị như vậy chưa? Cô ấy cũng đáp chưa.
Một người đi xe buýt suốt 8 năm mà không bị trộm cắp và cũng không nhìn thấy ai bị trộm cắp thì quá tốt. Tất nhiên, với hơn 466 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội mỗi năm, thế nào cũng có lúc này, lúc khác nhưng rõ ràng, đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt. Có thể nói, lực lượng CATP Hà Nội đã làm rất tốt, nhưng chúng ta vẫn cần cố gắng làm tốt hơn nữa...”.
Nói về tình hình an ninh trật tự trên xe buýt, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc CATP Hà Nội cho biết, so với các năm trước năm 2013 số vụ TNGT liên quan đến xe buýt giảm và chỉ xảy ra 4 vụ. Hiện Transerco đang phối hợp tốt với CATP và đã lập 10 tổ công tác theo chuyên đề 142 để đảm bảo an ninh và xử lý nghiêm các đối tượng móc túi trên xe buýt.
Ghi nhận hình ảnh xe buýt Hà Nội đã thân thiện hơn rất nhiều trong những năm gần đây, Bí thư Thành ủy cho rằng, Transerco đã có đóng góp lớn vào giải quyết vấn đề giao thông - vốn luôn nóng bỏng của TP Hà Nội. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói: “Thủ đô văn minh, hiện đại thì phương tiện công cộng phải là chủ yếu. Xe buýt không chỉ dành cho người thu nhập thấp mà phải làm sao để những người có tiền mua xe cá nhân cũng cảm thấy đi phương tiện công cộng có lợi hơn. Khi đó, họ sẽ chọn xe buýt thay vì xe cá nhân. TP chủ trương từng bước hạn chế xe cá nhân. Phải như vậy xe buýt mới phát triển chứ đường sá chen chúc như hiện nay thì muốn tăng thêm xe buýt cũng không có chỗ mà đi...”.
Bí thư Thành ủy giao nhiệm vụ: “Người dân rất mong chờ chất lượng dịch vụ xe buýt tăng lên. Đây chính là khâu hấp dẫn người dân đến với xe buýt. Phải làm sao để thương hiệu Transerco được người dân yêu mến, gắn bó và tôn trọng!”.
Đề xuất tăng giá vé xe buýt
Trong cuộc làm việc giữa Bí thư Thành ủy và lãnh đạo Transerco. Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường đã đề suất tăng giá vé xe buýt.
Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường cho biết, trước áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào, việc điều chỉnh giá vé xe buýt là không thể tránh khỏi. Hiện nay, liên ngành đã có phương án tăng giá vé xe buýt theo lộ trình và ở mức chấp nhận được so với thu nhập của người dân. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội thông tin thêm, liên ngành đề xuất tăng giá vé từ 5.000 đồng/lượt lên 7.000 đồng/lượt. Bên cạnh điều chỉnh giá vé, liên ngành đã tính toán chính sách hỗ trợ cho người nghèo, sinh viên. Sở Tài chính cho rằng, TP nên xây dựng lộ trình điều chỉnh giá cho từng năm.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “TP luôn khuyến khích người dân đi xe buýt. Hà Nội không thu một đồng lãi nào từ xe buýt, điều chỉnh giá vé chỉ làm giảm mức chi hỗ trợ của TP (bù lỗ - PV) hàng năm cho xe buýt mà thôi.” Bí thư Thành ủy phân tích: “TP yêu cầu tính toán điều chỉnh giá vé phải phù hợp điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân, không giật cục. Giá vé sẽ nâng dần lên để có điều kiện tiếp tục mở rộng số người được hưởng dịch vụ xe buýt. Để những bà con, chẳng hạn ở Ba Vì, được đi xe buýt, mỗi người cũng nên đóng góp nhiều hơn một chút để TP mở những tuyến buýt mới phục vụ người dân ở vùng xa...”.
Bộ Trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng thấy xe buýt tốt Trước đây, Bộ trưởng Thăng đã có 2 lần đi làm bằng xe buýt, trong đó có một lần ông đi xe buýt đến đầu phố Khâm Thiên, rồi đi bộ đến trụ sở Bộ GTVT cách đó 2km. Để có được kết quả khách quan và không bị lộ thân phận, Bộ trưởng đã ăn vận rất bình thường, giản dị, đội mũ lụp xụp, khác hẳn phong cách chủ trì hội nghị thường ngày. Thời gian xuất phát là vào 6 giờ 30 phút sáng. Sau chuyến vi hành, qua những điều quan sát được, Bộ trưởng chia sẻ: Những tuyến xe buýt mà ông đi rất thoáng đãng, điều hòa mát lạnh, nhà xe thì thân thiện vui vẻ. Xét một cách tổng thể xe buýt đáp ứng được một phần nhu cầu vận tải nhưng vẫn tồn tại những khuyết điểm, điểm dừng đỗ chưa hợp, bỏ bến, phóng nhanh vượt ẩu, thiết kế xe chưa phù hợp với điều kiện đô thị, hệ thống phanh chưa phù hợp làm người trên xe khó chịu |