Hướng dẫn cách chăm sóc cho người bị bệnh trầm cảm

11:45, Thứ tư 24/01/2018

( PHUNUTODAY ) - Đối với những gia đình có người thân bị bệnh trầm cảm thì cần phải chăm sóc ra sao? Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách chăm sóc người bị bệnh trầm cảm.

Trầm cảm là rối loạn tâm thần hay gặp (3% nam giới và 9% nữ giới), bệnh tiến triển kéo dài và rất hay tái phát. Việc điều trị củng cố bằng thuốc chống trầm cảm đóng vai trò quan trọng để chống tái phát.

Thái độ của các thành viên trong gia đình đối với bệnh nhân

Bệnh nhân cần được sự đồng cảm giúp đỡ của mọi thành viên trong gia đình. Mọi người cần biết rằng trầm cảm là một bệnh chứ không phải là lười nhác hoặc giả vờ. Thời gian điều trị bệnh, bệnh nhân rất hay than phiền về các rối loạn cơ thể của mình như mất ngủ, đau đầu, đau bụng, đánh trống ngực, chóng mặt…

Ngoài ra bệnh nhân còn hay than phiền giảm trí nhớ, khó tập trung, luôn bi quan, chán nản. Chính những điều than phiền của bệnh nhân khiến những người trong gia đình rất khó chịu. Dần dần họ mất đi sự cảm thông với bệnh nhân, tỏ ra khó chịu khi bệnh nhân kêu ca.

Nhiều khi, họ quay ra chế giễu bệnh nhân, cho là bệnh nhân lười nhác không có ý chí phấn đấu, khắc phục khó khăn. Khi đó bệnh nhân sẽ dần cảm thấy mình mất chỗ dựa về tinh thần. Họ không dám thổ lộ với mọi người về bệnh tật. Bệnh nhân giấu mình sống khép kín, ngại tiếp xúc với xung quanh. Họ cảm thấy cô đơn ngay trong chính gia đình mình.

Nhưng trái lại, các thành viên trong gia đình của bệnh nhân cũng tránh thái độ quá sốt sắng, lo lắng về bệnh tật của bệnh nhân. Nhiều ông bố, bà mẹ vì thương con và thiếu hiểu biết nên khi thấy con mình kêu đau đầu, đánh trống ngực… đã lo lắng, vội vàng chạy tìm bác sĩ để khám xét. Làm như vậy không có lợi mà có thể khiến bệnh nhân lo lắng thêm, cho là bệnh của mình là quá nặng và khó chữa.

75.cach-cham-soc-nguoi-bi-tram-cam-phunutoday.vn
 

Các thành viên trong gia đình cần hiểu rằng trầm cảm là một bệnh tâm thần hay gặp, có nhiều triệu chứng cơ thể như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn… Nhưng trầm cảm không phải là bệnh nan y, có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc chống trầm cảm. Nhìn chung, nếu được điều trị đúng, các triệu chứng hầu như hết sau 4-6 tuần.

Chế độ chăm sóc đối với người bệnh

Nếu không được phát hiện và chẩn đoán sớm, trầm cảm thường kéo dài và có nhiều biến chứng, đặc biệt là các ý tưởng và hành vi tự sát. Cần điều trị tại bệnh viện với các trường hợp nặng (có triệu chứng loạn thần, có ý tưởng và/hoặc hành vi tự sát, từ chối ăn uống). Các trường hợp nhẹ hoặc đã ổn định sẽ được điều trị ngoại trú. Việc chăm sóc tại nhà có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện cho bệnh nhân dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội.

Cần cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Không tự ý dừng hoặc điều chỉnh liều thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi các triệu chứng tâm thần bằng cách trả lời các câu hỏi: Giấc ngủ, ăn uống của bệnh nhân như thế nào? Đỡ buồn chán không? Có bi quan chán nản không? Đã quan tâm đến thú vui sở thích trước kia chưa? Tập trung chú ý khi nói chuyện như thế nào? Có chủ động nói chuyện, trình bày những vấn đề về sức khỏe của bản thân không? Đã quan tâm đến các hoạt động nghề nghiệp chưa? Tham gia các hoạt động xã hội?

Theo dõi ý tưởng và hành vi tự sát vì đây là triệu chứng nặng của bệnh. Thông thường, bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng bị tội, không xứng đáng, quá bi quan chán nản, cảm thấy bế tắc, không có lối thoát... nên dễ nảy ra ý tưởng và hành vi tự sát. Phải luôn theo dõi và kịp thời phát hiện bằng cách nói chuyện và tế nhị hỏi về những ý nghĩ này, lưu ý đến những hành vi khác thường như viết thư tuyệt mệnh, gọi điện thoại, nhắc đến tự sát trong những câu chuyện hằng ngày... Khi phát hiện ý tưởng hoặc hành vi tự sát, cần theo dõi chặt và đưa đến bệnh viện ngay.

Thông thường, các thuốc chống trầm cảm khi đã được bác sĩ chỉ định cho điều trị ngoại trú sẽ ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị khô miệng, táo bón, bí tiểu hoặc ngủ quá nhiều. Vì vậy, người nhà cần theo dõi tác tác dụng phụ của thuốc. Khi có các triệu chứng trên, cần thông báo cho bác sĩ biết để kịp thời điều chỉnh.

Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân; không cần kiêng bất cứ chất gì. Trong trường hợp sử dụng một số thuốc chống trầm cảm hoặc có bệnh cơ thể kèm theo, bệnh nhân có thể phải kiêng một số thức ăn theo hướng dẫn của thày thuốc.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link