Với người Việt Nam, nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong nấu ăn của nhiều gia đình, đặc biệt khi nêm vào món xào nấu giúp dậy mùi. Nhưng nếu bạn trực tiếp tưới nước mắm lên thức ăn là chưa “sành”. Thức ăn đang xào trong nồi chảo khá nóng nhưng vẫn có độ ẩm nhất định, nên khi tưới nước mắm vào chúng sẽ hút mùi nước mắm và tăng thêm độ mặn ngọt của nước mắm. Lúc đó vị của nước mắm thấm vào thức ăn. Tuy nhiên cách làm đó chưa đủ để nước mắm dậy mùi nhất có thể.
Kinh nghiệm của những đầu bếp lâu năm là họ tưới một phần nước mắm lên thức ăn, còn lại họ sẽ tưới/xịt/ rưới nước mắm lên thành hoặc đáy chảo, ở khoảng trống không có thức ăn và nhiệt đang cao. Mục đích của hành động này là để nước mắm khi tiếp xúc trực tiếp với thành, đáy chảo nóng sẽ ngay lập tức bay hơi nhanh và “xém cháy” tạo ra một mùi thơm đặc trưng hơn hẳn, một mùi thơm thanh tao khác lạ, vừa thơm mùi mắm vừa thơm của mùi xém cháy.
Lưu ý bạn nên xịt nước mắm vào thành chảo hoặc thành nồi nhưng ở phần vị trí ngay gần đáy chứ không xịt lên phần miệng trên cao vì sẽ không đủ nóng. Hơn nữa xịt ở vị trí quá cao như thế thì chỉ người ngoài thấy mùi mà thức ăn lại không "bám", không quyện được với phần nước mắm đó nên khi bưng ra khỏi bếp là sẽ không còn mùi thơm đặc trưng này. Hoặc bạn cũng có thể làm theo cách là gạt thức ăn sang một bên để lộ một chỗ đáy chảo rồi xịt nước mắm vào đó, cho chúng bốc hơi lên rồi đảo lại thức ăn quanh vị trí vừa xịt nước mắm, để chúng hòa quyện với nhau.
Cách làm này giúp thức ăn của bạn vừa “thấm” được vị mặn ngọt của nước mắm vừa “bắt” được hương thơm của phần nước mắm “cháy xém” kia. Nên mùi thơm của món ăn sẽ khác hẳn với việc bạn chỉ tưới nước mắm trực tiếp lên món ăn. Đặc biệt với món cơm chiên và các món xào thì cách làm này vô cùng hiệu quả và đảm bảo bạn sẽ thấy mùi thơm của món ăn khác hẳn với cách thông thường bạn vẫn làm.