Kiến ba khoang tấn công các bệnh nhi Cần Thơ

17:00, Thứ bảy 14/05/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Rất nhiều các bệnh nhi và người nhà chăm sóc tại bệnh viện bị kiến ba khoang đốt sưng tấy...có trường hợp còn bị nhiễm trùng.

Nhiều bệnh nhi và người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ liên tục bị kiến ba khoang tấn công gây phồng rộp trên da, vùng mắt, mặt, cổ, tay, chân. Đặc biệt là buổi tối, kiến bay vào rất nhiều khiến mọi người lo đuổi kiến mà không ngủ được.

Tại bệnh viện, có thể dễ dàng thấy trên vách tường, nền gạch có khá nhiều kiến ba khoang đang bò. Hầu như tất cả các phòng đều bị tình trạng này.

Kiến ba khoang tấn công các bệnh nhi Cần Thơ
Kiến ba khoang hoành hành

Anh T. (ba của bé Gia Minh), đang điều trị tại đây cho biết cả nhà anh đều bị kiến bò lên người, sưng mắt, tay, chân, đầu cổ.

"Việc này tôi đã nói với điều dưỡng từ ngày 10/5 đến giờ nhưng không thấy bệnh viện có biện pháp gì, thậm chí tụi tui hỏi bôi thuốc gì cũng chẳng ai hướng dẫn nên phải tự ra ngoài mua thuốc. Cả buổi tối hôm qua vợ chồng tui thức bắt kiến luôn, vì ở đây chưa có giường phải trải chiếu nằm dưới đất nên kiến bò ghê lắm!" - anh T. nói.

Một người nhà của bệnh nhân khác cho biết thêm: "Có người bị kiến bò lên người sưng tấy, nhiễm trùng”.

Bác sĩ Trần Văn Dễ - Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ, cho biết sau khi phát hiện kiến ba khoang, BV đã chỉ đạo nhân viên phun xịt thuốc tại các khoa và hướng dẫn mọi người cách đề phòng.

“Chúng tôi hướng dẫn tắt bớt đèn vào ban đêm, đóng cửa sổ, nếu thấy kiến thì không nên chà sát, không để chất dịch của chúng dính lên da”, bác sĩ Dễ nói.

Xử trí vết phỏng da bởi kiến ba khoang cắn

Kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít.

Loài kiến này thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này. 

Biểu hiện lâm sàng:

- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay.

- Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.

- Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

- Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Xử trí:

Nếu phát hiện được kiến ba khoang ngay sau khi tiếp xúc, cần:

- Loại bỏ côn trùng, không dùng tay trần để bắt, giết, miết.

- Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ.

Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm .

Vụ nữ bệnh nhân tố bác sĩ hiếp dâm: Ban giám đốc BV lên tiếng
Vụ nữ bệnh nhân tố bác sĩ hiếp dâm: Ban giám đốc BV lên tiếng
(Xã hội) - (Phunutoday) - Phía Bệnh viện Hoàn Hảo - nơi làm việc của nam bác sĩ bị tố hiếp dâm bệnh nhân đã thông tin mới nhất về sự việc.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành