Đu đủ là thức quả không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam. Nó không chỉ được ưa chuộng bởi vị ngọt thơm đặc trưng mà còn chứa đựng nhiều giá trị dinh dưỡng cao.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 145g đu đủ chứa 43 calo, 0,5g protein, 0,3g chất béo, 11g carbohydrate, 2g chất xơ, 61mg vitamin C và 182mg kali.
"Đu đủ với những dưỡng chất phong phú không kém cạnh các loại trái cây nhiệt đới khác, là nguồn cung cấp các chất bổ trợ cho hệ miễn dịch, bao gồm vitamin A và C," chuyên gia dinh dưỡng Sarah Schlichter từ Mỹ đã xác nhận.
Sau đây là một số ích lợi nổi bật của loại quả này.
Hỗ trợ phòng chống ung thư
Trong một nghiên cứu đánh giá vào năm 2021 được công bố trên tạp chí Antioxidants, các nhà khoa học đã kết luận rằng việc tiêu thụ chế độ ăn nhiều vitamin C từ các loại trái cây và rau có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư.
Đu đủ, với hàm lượng vitamin C cao, được biết đến với khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể chặn được các gốc tự do gây hại và giảm stress oxy hóa - một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự hình thành của các tế bào ung thư. Thêm vào đó, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Molecules, màu cam rực rỡ của đu đủ đến từ lycopene - một chất có tính năng chống ung thư.
Điều hoà đường huyết
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng đu đủ có khả năng hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, qua đó góp phần kiểm soát mức đường huyết. Với chỉ số đường huyết thấp, đu đủ giúp cung cấp lượng đường tự nhiên cho cơ thể một cách từ từ, không gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Điều này làm cho đu đủ trở thành một lựa chọn thích hợp cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Bảo vệ tim
Đu đủ giàu chất xơ, kali và vitamin, là những dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe cho các động mạch và thúc đẩy lưu lượng máu, từ đó đóng góp vào việc ngăn ngừa bệnh tim. Việc tăng cường kali và giảm natri trong chế độ ăn hàng ngày là một trong những biện pháp điều chỉnh chế độ ăn quan trọng, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đu đủ, với lượng kali cao, là sự chọn lựa tuyệt vời cho việc bổ sung kali vào chế độ ăn uống.
Làm chậm lão hoá
Đu đủ chín là nguồn cung cấp phong phú của vitamin C, vitamin A và các flavonoid, những chất dinh dưỡng có lợi này giúp bảo vệ làn da, duy trì sự tươi trẻ và giảm thiểu nếp nhăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chất dinh dưỡng này hoạt động như những chất chống oxy hóa mạnh mẽ, chống lại quá trình hình thành gốc tự do và tổn thương oxy hóa - những yếu tố chính gây lão hóa da.
Củng cố sức khoẻ xương khớp
Một chế độ ăn thiếu hụt vitamin K có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Vitamin K không chỉ giúp cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể mà còn hạn chế mức canxi bị đào thải qua quá trình bài tiết. Đu đủ là một nguồn vitamin K dồi dào, hỗ trợ cơ thể giữ lại được nhiều canxi, từ đó củng cố và tái tạo cấu trúc xương, tăng cường sức khỏe xương khớp.
Bảo vệ thị lực
Đu đủ chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như lutein, zeaxanthin, vitamin C và vitamin E, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt và phòng ngừa các bệnh lý về mắt. Zeaxanthin, một chất chống oxy hóa có trong đu đủ, giúp lọc bỏ ánh sáng xanh có hại, qua đó bảo vệ mắt và có khả năng ngăn chặn bệnh thoái hóa điểm vàng.
Lưu ý khi tiêu thụ đu đủ
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng đu đủ lên men có thể làm giảm lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên, khi kết hợp với thuốc điều trị tiểu đường, đu đủ lên men có thể gây giảm mức đường huyết quá mức. Người dùng thuốc chống đông cũng cần cẩn trọng khi ăn đu đủ vì nó có thể tăng cường tác dụng của thuốc, làm tăng nguy cơ chảy máu và bầm tím.
Khuyến nghị hàng ngày là chỉ nên tiêu thụ khoảng 500 - 700 gram đu đủ, và cần lưu ý đến hàm lượng đường cao hơn trong đu đủ chín so với đu đủ xanh. Đối với những người theo dõi lượng calo, cần cân nhắc việc bổ sung đu đủ vào chế độ ăn uống cân đối.
Đu đủ là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và ít axit, có thể ăn khi đói mà không lo gây hại cho dạ dày. Nếu đang theo chế độ ăn kiêng, nên tránh ăn đu đủ trong bữa chính và tốt nhất là tiêu thụ vào buổi trưa. Đồng thời, cần lưu ý không ăn hạt của quả đu đủ.