Loại rau được nhắc tới chính là cây tỏi tây.
Đặc điểm của cây tỏi tây
Tỏi tây (Allium fistulosum) là một loại cây thảo thực vật sống trong khoảng 2 năm, với chiều cao trung bình dao động từ 40 đến 140cm. Thân thảo của nó có hình dạng trụ, có đường kính khoảng 1 - 2cm và khá cứng. Các lá của cây tỏi tây có hình dẹp, dài, mép nguyên và mọc thành hai hàng song song, có màu xanh lục và gần gốc có một chút màu trắng. Hoa của cây mọc ở đỉnh các cành, tụ lại thành các bông hình cầu, có màu xanh hoặc tím và có cuống dài.
Lợi ích của tỏi tây với sức khỏe
Bổ sung chất dinh dưỡng
Tỏi tây có nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết nhưng lại có hàm lượng calo thấp. Loại gia vị này rất giàu các tiền chất vitamin A, bao gồm beta carotene. Đây là những chất rất quan trọng đối với thị lực, chức năng miễn dịch, sinh sản và liên kết giữa các tế bào. Hành paro cũng là một nguồn vitamin K1 dồi dào rất cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe của tim.
Hành paro cũng cung cấp nhiều mangan có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và cải thiện sức khỏe tuyến giáp. Ngoài ra, loại hành này còn cung cấp một lượng nhỏ đồng, vitamin B6, sắt và folate. Tuy nhiều dưỡng chất là thế nhưng trong 100g hành paro đã nấu chín chỉ có 31 calo.
Giàu các chất chống oxy hóa
Tỏi tây là nguồn bổ sung tuyệt vời các chất chống oxy hóa, đặc biệt là polyphenol và hợp chất lưu huỳnh cho cơ thể.
Một nghiên cứu của Đại học Lan Châu (Trung Quốc) đã phân lập và xác định được 15 hợp chất từ tỏi tây. Các hợp chất này bao gồm các hợp chất lưu huỳnh, hợp chất phenolic, hợp chất lignan, axit béo không bão hòa và saponin. Các hợp chất này có các tác dụng dược lý khác nhau như kháng khuẩn, chống oxy hóa, bảo vệ mạch máu và long đờm.
Quá trình oxy hóa là nguyên nhân dẫn tới tổn thương tế bào và góp phần gây ra các loại bệnh như tiểu đường, ung thư và tim mạch. Tỏi tây đặc biệt giàu kaempfero, một chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim và một số dạng ung thư.
Allicin, một hợp chất lưu huỳnh, trong tỏi tây được coi là “thuốc kháng sinh tự nhiên”, đồng thời có tác dụng giảm mỡ máu và đặc tính chống ung thư tiềm năng.
Giảm viêm nhiễm và tăng cường sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu cho thấy allium trong tỏi tây và một số loại rau củ cùng họ khác như hành, tỏi ta, có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tỏi tây còn có chứa một số hợp chất có lợi giúp giảm viêm nhiễm, đồng thời bảo vệ sức khỏe trái tim. Ví dụ, kaempferol có đặc tính chống viêm nhiễm. Theo một nghiên cứu của Đại học Seville (Tây Ban Nha), những thực phẩm giàu kaempferol giúp giảm nguy cơ đau tim và tử vong do các bệnh tim mạch.
Hỗ trợ bạn giảm cân
Nhờ có ít calo, tỏi tây có thể hỗ trợ bạn thực hiện mục tiêu giảm cân dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hành paro cũng chứa nhiều nước và chất xơ tốt nên sẽ giúp bạn ngăn cơn đói và no nhanh hơn. Điều này sẽ giúp bạn ăn ít hơn một cách tự nhiên mà vẫn không thấy đói. Các nhà khoa học cũng cho biết những ai ăn nhiều rau trong bữa ăn hơn có thể giảm cân dễ hơn và ít tăng cân lại hơn. Vậy nên, bạn có thể thêm hành paro vào bữa ăn để tăng lượng rau mình ăn mỗi ngày.
Giúp phòng bệnh ung thư
Chất kaempferol trong tỏi tây có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là ung thư. Một số nghiên cứu ống nghiệm cho thấy kaempferol có thể giúp phòng chống bệnh ung thư bằng cách giảm viêm, tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn các tế bào này di căn. Hợp chất allicin trong hành paro cũng có đặc tính chống ung thư tương tự.
Các nghiên cứu ở người cũng cho thấy những ai thường xuyên tiêu thụ các loại hành tỏi, kể cả hành paro, có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày tới 46%. Ngoài ra, các loại hành tỏi cũng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh
Tỏi tây là thực phẩm có lợi cho đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do tỏi tây có chất xơ hòa tan giúp nuôi dưỡng hệ lợi khuẩn đường ruột, từ đó giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tiêu hóa Thế giới, những lợi khuẩn này sản xuất ra acid béo chuỗi ngắn (SCFAs), ví dụ như acetate, propionate và butyrate. SCFAs có thể giảm viêm nhiễm và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Những lợi ích sức khỏe khác của tỏi tây
Ngoài những lợi ích kể trên, tỏi tây còn có thể mang lại một số lợi ích khác cho sức khỏe, bao gồm:
- Giảm lượng đường trong máu: Allium đã được chứng minh có tác dụng hạ đường huyết trong một nghiên cứu tại Trung Quốc.
- Tăng cường chức năng não bộ: Các hợp chất lưu huỳnh cũng đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ não bộ khỏi các bệnh suy giảm trí tuệ có liên quan tới tuổi tác.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy kaempferol có trong tỏi tây có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus và nấm.