Sắt là một trong những nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Từ xa xưa, mọi người thường chọn thịt bò là một trong những thực phẩm giúp bổ sung sắt cho cơ thể với giá thành tương đối cao. Trên thực tế, nhiều loại rau củ quả có hàm lượng sắt tương đối cao, giá thành rẻ, rất sẵn có tại các chợ truyền thống tiêu biểu là rau dền còn được ưu ái gọi với cái tên là “rau trường thọ”.
Những lợi ích vàng từ rau dền
+ Giảm táo bón
Rau dền giàu chất xơ, tỉ lệ chất xơ trong rau dền cao hơn các loại rau khác. Ăn rau dền giúp thúc đẩy nhu động ruột, chức năng tiêu hóa tốt hơn, đồng thời thanh lọc một số chất có hại ra khỏi cơ thể.
+ Cải thiện thị lực
Rau dền rất giàu khoáng chất, carotene, protein, vitamin C, vitamin A và các chất dinh dưỡng khác. Những chất này giúp cải thiện thị lực, chống quáng gà. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc bổ sung rau dền vào chế độ ăn của mình.
+ Cải thiện tình trạng thiếu máu
Rau dền là thực phẩm phù hợp với nhiều lứa tuổi, từ trẻ con, người trung niên và người già. Rau giàu canxi, sắt và vitamin K, có thể thúc đẩy quá trình tạo máu, giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ tim, ngăn ngừa co thắt cơ.
Đối với những người trung niên và cao tuổi, bệnh nhân bị thiếu máu, đây là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung vào chế độ dinh dưỡng. Hàm lượng sắt trong rau dền khá cao, cứ 100gram rau dền đỏ có chứa khoảng 11,8mg sắt.
+ Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển
Rau dền được ví như viên canxi tự nhiên dành cho trẻ em. Lá rau dền rất giàu canxi, protein, lượng canxi trong loại rau này cao hơn cả canxi có trong tôm, được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Canxi có trong rau giúp xương và răng chắc khỏe, chống loãng xương. Vì vậy trẻ em và người già ăn loại rau này rất tốt.
Đại kỵ khi ăn rau dền
+ Không ăn quá nhiều rau dền
Rau dền không độc, có nhiều công dụng chữa bệnh nhưng cũng không nên ăn quá thường xuyên. Nguyên nhân là do rau dền tính hàn, thanh nhiệt, người đang bị tiêu chảy tốt nhất không nên dùng.
Lượng purin trong rau dền khá lớn nên ăn nhiều có thể gây hại cho thận. Các hợp chất hữu cơ này sẽ được chuyển hóa thành axit uric khi tiêu hóa và có thể làm tăng mức độ kết tủa của canxi trong thận, hình thành sỏi thận. Ngoài ra, lượng purin trong rau dền làm tăng nồng độ axit uric và có thể gây viêm, sưng, đau khớp, đặc biệt không tốt với người bị bệnh gút.
+ Không ăn rau dền cùng tiết canh, quả lê
Theo các chuyên gia Đông y, không nên ăn rau dền đỏ cùng tiết canh vì có thể gây ra tiêu chảy; không ăn chung với thịt ba ba vì dễ sinh độc tính. Rau dền cũng không nên ăn cùng quả lê vì có thể gây ra nôn mửa, rối loạn tiêu hóa.
+ Không ăn rau dền để qua đêm
Rau dền đã nấu chín thì nên ăn hết luôn trong một bữa nếu không dùng hết hãy cho vào thùng rác, đừng tiếc của mà để rau qua đêm và hâm nóng vào bữa sau để dùng tiếp. Các loại canh rau để qua đêm sẽ sản sinh một lượng nitrat lớn. Nitrat khi đi vào cơ thể được chuyển hóa thành nitrite - một chất gây bệnh. Nấu xong để qua lâu còn khiến rau bị vi khuẩn xâm nhập, có thể gây ngộ độc thực phẩm.