Hạt lạc được ví là "hạt trường sinh"
Loại hạt được nhắc đến ở đây chính là lạc (đậu phộng). Đây là thực phẩm không còn quá xa lạ đối với người Việt. Lạc chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, nó có lượng protein cao gấp 2 lần trứng và 10 lần sữa. Đây là lý do hạt lạc được ví von là "hạt trường sinh".
Ngoài protein, lạc còn chứa không ít lysine. Đây là một loại axit amin tốt cho cơ thể. Con người không tự tổng hợp được lysine mà phải hấp thu chất này thông qua các thực phẩm ăn hàng ngày.
Lạc còn cung cấp nhiều dưỡng chất khác như vitamin B, E, choline, kali, canxi, sắt, kẽm... Chất lecithin trong lạc có tác dụng bảo vệ não, tăng cường trí nhớ.
Lạc có hàm lượng calo cao. 100 gram lạc có thể cung cấp 563 calo. Đây là lượng calo lớn gấp 4 lần thịt nạc.
Nghiên cứu cho thấy việc ăn lạc thường xuyên có thể giúp giảm 35% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Axit béo trong lạc có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Các dưỡng chất như magie, niacin, đồng, axit oleic cùng các chất chống oxy hóa khác có thể giúp tăng cường sức đề kháng bảo vệ sức khỏe.
Ăn lạc thường xuyên còn có tác dụng giảm nguy cơ sỏi mật. Nguyên nhân hình thành sỏi mật chủ yếu là do cholesterol. Trong khi đó, tiêu thụ lạc ở mức độ hợp lý sẽ giúp điều chỉnh lượng cholesterol trong cơ thể.
Bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau. Lạc mới thu hoạch đem luộc là có thể dùng ngay. Lạc đã phơi khô có thể đem rang chín làm đồ ăn vặt, thêm vào các món ăn khác hoặc dùng làm bơ lạc ăn kèm bánh mì, làm nước sốt...
Lưu ý khi ăn lạc
Lạc mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần phải lưu ý rằng nó có hàm lượng calo cao, người đang có ý định giảm cân chỉ nên ăn với một lượng vừa phải. Ngoài ra, ăn lạc có thể gây đầy bụng, khó tiêu do chứa nhiều chất béo và protein. Người bị khó tiêu nên hạn chế ăn.
Khi mua lạc và bảo quản lạc, bạn cũng cần chú ý để tránh sử dụng phải lạc bị mốc. Lạc mốc có chứa chất aflatoxin rất nguy hiểm. Nếu thấy lạc mốc thì nên bỏ đi.