Mẹ chỉ ước giường nhà ta thôi kẽo cọt

19:15, Thứ tư 27/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Mỗi lần bố mẹ muốn “tranh thủ”, những tiếng động lại khiến con trằn trọc, khó chịu.

Bố mẹ xa quê lên thành phố học đại học. Cái duyên cái phận thế nào lại để hai con người, một miền trung du Phú Thọ, một miền quê Nghệ An nghèo khó gặp nhau. Vì thương vì yêu, bố mẹ vẫn quyết tâm xây dựng cuộc sống gia đình. Bố mẹ sinh Miu ở trong một căn nhà trọ nhỏ xíu bên kia sông của thành phố. Hàng ngày đi làm cũng mất 1 tiếng qua cầu Long Biên lộng gió.

Mới cưới, tài sản chung duy nhất của hai vợ chồng chỉ là chiếc giường cưới được bố đích thân đi đặt và trang trí. Chiếc giường cưới đặt ở giữa căn phòng trọ chỉ hơn 15 mét vuông, kê thêm cài tủ đựng đồ, góc bếp là chẳng còn chỗ nào. Chiếc giường tuy mới, nhưng vì đặt bằng chất liệu rẻ nên chỉ được một thời gian là ọp ẹp. Hồi chỉ có hai bố mẹ thì chẳng sao, mẹ chỉ hay trêu bố “ 'làm' nhẹ nhàng thôi còn giữ giường cho con”. Nhưng đến khi có Miu, chiếc giường ọp ẹp và ngôi nhà chật chội lại nảy sinh biết bao buồn phiền trong mẹ.

Miu khó ngủ, chỉ một tiếng động lạ là con sẵn sàng mở choàng hai mắt rồi khóc gắt xuyên đêm. Vậy nên mọi thứ trong nhà đều phải thật yên lặng mỗi khi Miu ngủ. Kể cả cái giường cũng vậy. Chỉ cần lên xuống giường không cẩn thận, để tiếng kẽo cọt vang lên là Miu mất giấc. Bố mẹ phải dừng lại toàn bộ những gì gọi là “chuyên vợ chồng” để lo cho con. Vậy nhưng mới làm cha làm mẹ, chút khổ sở “khó nói” ấy có là gì đâu. Bố mẹ chỉ muốn dành cho Miu những gì tốt đẹp nhất. Ba người chúng ta cùng nhau ngủ trên một chiếc giường, nhìn thiên thần đáng yêu chớp đôi hàng mi dài, cái má bẹp sang một bên gối, cái miệng chu lên mà ngủ thì bao muộn phiền bố mẹ có hề chi.

Mẹ chỉ ước giường nhà ta thôi kẽo cọt - 1
Làm cha làm mẹ, chút khổ sở “khó nói” ấy có là gì đâu (ảnh minh họa)

Miu lớn, vì nhà chật, lại quen ngủ với mẹ nên con ngày càng bện mẹ. Đã đến tuổi mẫu giáo rồi nhưng đi ngủ lúc nào cũng ôm chặt lấy mẹ thôi. Tối nào đến giờ đi ngủ, Miu cũng nhảy tót lên chiếc giường cọt kẹt, nhún nhùn vài phát trêu đùa rồi nghiêm túc “phân công” mẹ ngủ bên phải, bố ngủ bên trái. Hai bố mẹ vừa buồn cười, vừa “ức”, vừa thương con, vừa thương nhau.

Ngủ với Miu, cứ đợi con say giấc, mẹ lén nằm sang gần bố là chiếc giường lại cọt kẹt. Miu tỉnh ngủ, khóc lóc ầm ĩ vì “mẹ bỏ Miu đi”. Thế là bố lại thôi, mẹ lại ôm Miu, vuốt mái tóc mượt của Miu ru con vào giấc ngủ. Cuộc sống vợ chồng cứ thế trôi đi giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, số lần bố mẹ “giao ban” một năm trời chẳng đếm được đủ hai bàn tay. Có những lần, bố gợi ý mẹ đi “nhà nghỉ”. Vậy nhưng nghĩ đến mấy tiếng ở “chỗ đấy” lại đổi được cho Miu cái áo mới, hộp bút chì màu nhỏ xinh…mẹ lại tần ngần rồi thôi.

Hôm nay,  bố quyết định “làm cách mạng”. Bố bảo mẹ để Miu ngủ phía trong cùng để hai bố mẹ nằm với nhau. Lúc ấy mẹ mới chợt nhận ra, hôm nay là kỉ niệm 6 năm ngày cưới của bố mẹ. Và cũng đã lâu lắm rồi, mẹ chẳng được ngả đầu trên cánh tay bố ngủ một giấc ngon lành. Mẹ đồng ý.

Rình con ngủ say, mẹ nhẹ nhàng bế con sang một bên rồi chuyển sang nằm cạnh bố. Chiếc giường 6 năm dù đã được gia cố vẫn phát ra những âm thanh nhỏ. Miu không tỉnh giấc nữa vì bố mẹ đã có “chiến thuật” hơn xưa. Vừa thở phào nhẹ nhõm thì hỡi ôi, chưa kịp ngả mái tóc lên cánh tay bố, mẹ đã hốt hoảng khi đôi mắt to tròn đen láy đã nhìn mẹ chằm chằm từ lúc nào. Miu bắt đầu mếu máo rồi khóc. Con bật dậy, trèo vào giữa bố mẹ bằng được. Mẹ đã giận, mẹ bực, mẹ quát Miu nằm yên một chỗ. Miu càng khóc to hơn, càng nhõng nhẽo gào lên. Bố phát nhẹ vào mông Miu một cái. Lúc đấy con mới nằm yên trong góc, nhưng thút thít, nhưng đôi vai cứ rung lên bần bật. Bố mẹ nhìn nhau, lại thôi, mẹ lại dỗ dành Miu, bố lại đi lấy chút nước cho Miu uống.

Giờ thì con đã ngủ say rồi, nhưng mẹ vẫn trằn trọc chẳng sao ngủ được. Miu của mẹ đã ngày càng lớn, mà cái giường vẫn cọt kẹt như vậy, căn nhà vẫn chật chội như xưa và cuộc sống muôn thủa vẫn khó khăn thế. Làm sao để tạo cho con những kỉ niệm tuổi thơ êm đẹp, làm sao để “chuyện người lớn” thôi không còn khiến bố mẹ trằn trọc “khó nói” được đây….

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Văn Dự