1. Muối
Muối là một loại gia vị vô cùng phổ biến và có mặt trong hầu hết trong căn bếp của mọi gia đình và các món ăn. Chính vì vậy, để có thể nêm nếm gia vị cho món ăn thêm ngon, hấp dẫn với muối được rất nhiều người quan tâm. Trong đó, với các món ăn khác nhau, việc nêm nếm muối cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn:
- Với các món thịt cá, bạn nên ướp muối trước khi nấu để cá thấm vị ngon hơn chứ không phải đến khi cá chín mới bắt đầu cho muối vào. Ngoài ra, đối với các loại thịt gà, vịt hay cá để chiên rán, bạn cũng nên thấm bớt nước và ướp muối trước.
- Với các món hầm thì bạn lại chú ý nên cho muối vào sau khi món ăn đã hầm được một thời gian. Tuy nhiên, nếu như hầm thịt bò, bạn nên ướp thịt bò với muối trước khi hầm, thịt sẽ mềm và thơm ngon hơn.
- Với các món xào, bạn nên cho muối vào trước khi tắt bếp vài phút, sẽ giúp rau được xanh và các loại thịt thì đậm đà hơn. Trong trường hợp, bạn nấu các món hải sản xào thì nên đợi các chất ngọt từ hải sản tiết ra trước rồi mới nêm muối vào.
Muối là một trong những loại gia vị tạo nên độ mặn cho món ăn, rất cần thiết để chế biến được món ăn ngon. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều muối lại không hề tốt cho sức khỏe, vì vậy bạn chỉ nên dùng muối ở mức độ vừa phải mà thôi.
2. Nước mắm
Đây là một trong những loại gia vị khá đặc biệt và rất quen thuộc với mâm cơm người Việt, giúp tạo nên hương vị đậm đà đặc biệt cho món ăn. Tuy nhiên, khi nước mắm được nấu trong thời gian khá lâu, sẽ rất dễ bị mất mùi và các chất bổ dưỡng cũng sẽ bị phá hủy. Vì vậy, cách tốt nhất để bạn sử dụng loại gia vị này đó là chỉ nên nêm nếm nước mắm vào khi món ăn đã chín và ngay trước khi tắt bếp. Nếu như không biết mà bạn cho nước mắm vào ngay trong quá trình nấu, sẽ có thể làm nước mắm bị biến chất, vừa không có được mùi thơm đặc trưng, vừa có thể làm món ăn có vị chua.
Đối với các món kho, bạn nên ướp các nguyên liệu với nước mắm sau khi đã thấm đều các loại gia vị khác. Hoặc khi bắc nồi lên bếp, bạn mới cho nước mắm vào. Nếu như ướp thực phẩm sống với nước mắm quá lâu cũng có thể làm món ăn mất ngon.
3. Đường
Ngoài muối, đường cũng là một loại gia vị khá phổ biến trong nhà bếp của nhiều gia đình. Với tác dụng nêm nếm để tạo độ ngọt cho món ăn hoặc được sử dụng để tạo màu. Tuy nhiên, loại gia vị này lại thường rất nhạy cảm với nhiệt. Nếu bạn nấu đường ở nhiệt độ cao, sẽ rất dễ bị cháy đen, biến đổi chất và vị. Món ăn lúc này sẽ có vị đắng, khét, cực kì khó ăn.
- Đối với các món nướng, bạn không nên cho đường hoặc nếu có thì chỉ nên cho một ít mà thôi. Trong tường hợp, muốn tạo độ ngọt cho món nướng, bạn có thể thay thế việc sử dụng đường bằng cách sử dụng mật ong, vừa mang đến vị ngọt tự nhiên, vừa tạo màu sắc đẹp mắt cho món ăn.
- Đối với các loại nước sốt cho món ăn, bạn chỉ nên cho đường vào khi món ăn gần chín.
- Đối với các món kho, bạn cũng chỉ nên cho vào khi món kho đã gần chín. Đặc biệt, khi nêm đường cho các món xào, nấu, bạn nên nêm chúng sau khi đã cho muối vào, mới có thể giữ được vị ngọt tự nhiên cho món ăn.
Chú ý, không nên nêm đường ngay trước khi tắt bếp vì chúng cần thời gian và nhiệt độ mới có thể tan được. Nếu như đường chưa tan mà bạn đã tắt bếp sẽ khiến món ăn không thấm vị, khi ăn có các hạt đường lợn cợn khó chịu.
4. Giấm
Loại gia vị này có vị chua, mùi thơm nhẹ, được dùng phổ biến trong các món salad, chiên xào hoặc để sơ chế thực phẩm. Nếu muốn sử dụng giấm cho các món rau xào, bạn nên cho chúng vào ngay từ đầu để tạo được vị chua. Còn nếu như dùng giấm cho các món thịt, xương xào, nấu, thì bạn nên cho giấm vào lúc gần cuối, sẽ giúp món ăn ngon hơn, bớt đi cảm giác ngấy.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, không nên cho giấm vào nồi khi món ăn đang sôi, vì chúng rất dễ bay hơi khi ở nhiệt độ cao, thời gian dài khiến cho giấm không còn mùi vị vốn có của nó nữa.
5. Hạt tiêu
Hạt tiêu thường có mùi thơm, tính cay nhẹ. Vì vậy, bạn nên thêm hạt tiêu vào món ăn sau khi đã nấu chín thức ăn hay lúc thức ăn còn ấm, vừa giữ được mùi thơm, mà không làm hạt tiêu bị biến chất. Bạn không nên dùng hạt tiêu để ướp thực phẩm trước khi nấu chín vì loại gia vị này ở nhiệt độ cao sẽ bị mất mùi và sinh ra các chất độc hại, không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với các món hầm thì lại là ngoại lệ nếu như bạn sử dụng tiêu xanh thì có thể cho chúng vào ngay từ khi bắt đầu nấu.
6. Mì chính
Để có thể tạo độ ngọt và giúp cân bằng hương vị cho món ăn, thì không thể nào bỏ qua mì chính. Không những vậy, chúng cũng có khả năng làm dậy mùi thực phẩm rất tốt. Tuy nhiên, có không ít người bị dị ứng với loại gia vị này gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,… nên khi sử dụng bạn cần phải đặc biệt lưu ý. Bạn có thể dùng mì chính để ướp nguyên liệu cho món nướng, món kho ngay từ đầu. Nhưng riêng với các món xào, canh thì nên cho mì chính vào khi thức ăn gần chín.