Chè sắn làm từ củ sắn (khoai mì) rất đơn giản dân dã nhưng lại là món chè nóng hổi ngày đông không thể quên. Sắn bùi bùi béo béo, thơm ngọt đậm đà của lạc rang, gừng, đường, sánh ngậy của cốt dừa.
Ăn bát chè sắn nóng giữa ngày đông rét mướt là thú vui thưởng thức của nhiều người. Sắn là loại củ dân dã nhưng bây giờ lại trở thành món ăn được nhiều người yêu thích vì chúng có đường huyết thấp hơn gạo. Hương vị của chè sắn quyện đậm, thơm bùi béo ngậy lại càng hấp dẫn trong thời tiết mùa đông.
Dịp nghỉ lễ, cả nhà cùng nhau quây quần sum họp bên tô chè sắn ngọt ngào mang tới một năm mới tốt lành và an vui khỏe mạnh.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 500 gr củ sắn
- Đường vàng
- 1 củ gừng
- 1 chút muối
- Ít dừa nạo sợi
- Lạc rang chín
- 1,5 lít nước
- Vài thìa bột sắn dây hoặc bột năng
- Nước cốt dừa
Bước 1 sơ chế sắn và nguyên liệu
Sắn mua về lột vỏ rồi ngâm vào nước tầm 3-4 tiếng thì càng tốt. Ngâm sắn để loại bỏ thành phần độc tố tự nhiên trong sắn. Ngâm càng lâu càng tốt. Nhớ cắt bỏ 2 đầu củ sắn, bỏ vỏ, và bỏ xơ lõi giữa của củ sắn vì đó là những phần giữ nhiều chất độc nhất. Trong tự nhiên sắn có một hàm lượng độc tố cyanide có thể gây ngộ độc khi ăn nhiều. Nên việc lột vỏ bỏ xơ ngâm sắn với nước lạnh, thay nước vài lần trước khi chế biến sẽ giúp loại bỏ chất độc để ăn sắn ngon và an toàn hơn.
Lạc cho lên bếp rang cho chín vàng thơm và xát vỏ. Lạc muốn ngon thì nên chọn lạc ré vỏ đỏ hạt nhỏ nhưng ăn thơm ngon hơn lạc thường.
Bước 2 luộc sắn
Sắn sau khi ngâm thì cho vào nồi luộc hoặc hấp chín. Bạn có thể thêm chút muối vào để sắn đậm đà hơn. Khi sắn chín thì lấy ra và cắt khúc tầm 3cm vừa ăn, Nhớ bỏ phần xơ lõi còn xót lại trong củ sắn.
Bước 3: Nấu nước đường
- Gừng cạo sạch vỏ rồi đập nhỏ có thể nướng trước khi đập sẽ thơm đặc trưng hơn.
- Cho nước và đường vàng vào nồi, đun khuấy đều cho tới khi sôi thì thả gừng vào
- Cho tất cả chỗ sắn vào nồi, khuấy đều nấu cho sôi trở lại. Lượng đường nêm nếm hợp với khẩu vị gia đình và thêm 1 chút muối tinh để chè đậm vị hơn.
- Cuối cùng, cho bột sắn dây hoặc bột năng vào bát nước nguội, khuấy tan đều rồi rót vào nồi chè sắn đang sôi để tạo độ sánh đặc như ý muốn. Nếu có bột sắn dây thì dùng sắn dây ăn sẽ ngon hơn dùng bột năng.
Khi nồi chè sắn sánh đặc và nêm đường vừa vị mong muốn thì múc chè sắn ra bát sau đó thêm chút nước côt dừa, rắc dừa bào sợi, lạc giã dập vào cùng là có thể thưởng thức.
Món chè sắn là một trong những loại chè đặc sản không thể thiếu trong danh sách các món chè của người Hà Nội. Chè sắn đơn giản nhưng ăn ngon đậm đà, dân dã nhưng thấm quyện nhiều hương vị.