Thông thường, đau cổ vai gáy phát sinh do các nguyên nhân như ngồi sai tư thế, làm việc quá lâu trong một tư thế cố định, căng thẳng, hoặc thiếu vận động.
Đôi khi, bệnh còn là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống cổ. Việc nhận biết sớm và điều trị đúng cách là rất quan trọng để tránh các biến chứng không mong muốn.
Theo lời khuyên của bác sĩ khoa xương khớp, để kiểm soát bệnh hiệu quả, ngoài việc dùng các biện pháp như: uống thuốc chống viêm - giảm đau, thực hiện các bài tập giãn cơ, vận động cột sống cổ, vật lý trị liệu... thì người bị đau vai gáy cũng tránh làm 3 việc sau đây. Nếu không chú ý sẽ càng khiến bệnh tình thêm nặng.
1. Không ngồi lâu một chỗ
Người bị đau cổ vai gáy vì sợ tác động đến các vùng này mà làm tăng thêm cơn đau nên thường có xu hướng ngồi nhiều một chỗ, đặc biệt là dân văn phòng với tính chất công việc nên cũng rất hạn chế đi lại hay vận động.
Các chuyên gia xương khớp cho biết, ngồi nhiều một chỗ có thể làm tồi tệ thêm tình trạng bệnh, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc phải các bệnh xương khớp khác.
Cụ thể, việc ngồi lâu một chỗ không đi lại sẽ làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống, buộc chúng ta khòm lưng và cúi ra trước để xoa dịu cơn mỏi, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống, đồng thời tạo một áp lực lớn vùng cổ - vai - gáy.
Theo thời gian sẽ sinh ra nhiều nguy cơ như: tổn thương đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống... và làm nặng thêm tình trạng đau cổ vai gáy.
Chưa hết, việc ngồi lâu một chỗ cũng làm cho tuần hoàn máu giảm đi từ từ tại vị trí chân, dẫn đến các vùng cơ mông, hông ngày càng kém linh hoạt, xương mỏng dần và có hiện tượng giòn, dễ gãy - đây chính là những hậu quả mà xương khớp phải gánh chịu với những người có thói quen ngồi tại một vị trí quá lâu, thường là hơn 2 giờ đồng hồ và lặp đi lặp lại mỗi ngày.
2. Lười vận động hoặc vận động quá mức
Cũng cùng nguyên nhân với việc ngồi lâu một chỗ, không ít người bị đau cổ vai gáy xuất hiện tình trạng lười vận động. Điều này để lâu sẽ khiến các dây thần kinh vùng cổ bị chèn ép, hệ tuần hoàn máu kém, không đủ lượng máu cung cấp tới vai gáy ở mức cần thiết, dẫn đến thiếu máu cục bộ vùng vai gáy. Nếu tình trạng này liên tục kéo dài sẽ dẫn đến chứng đau cổ vai gáy, hoặc làm bệnh nặng thêm với những ai đang mắc phải.
Ngược lại, dù vận động rất được khuyến khích nhưng việc vận động quá mức cũng là điều mọi người cần hạn chế. Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, vận động quá sức đôi khi không giúp xương khỏe lên mà ngược lại càng yếu đi. Nguyên nhân đến từ sự can thiệp của cortisol - một loại hormone được tiết ra tại tuyến thượng thận mỗi khi cơ thể bị áp lực về mặt thể chất, thường là sau khi hoạt động mạnh hoặc làm việc nặng.
Loại hormone này tiết ra quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Khi trong máu có sự xuất hiện của hormone cortisol, mô xương được tích lũy ít hơn so với mô xương bị phân hủy. Điều này khiến cho tình trạng rạn, nứt xương ở những người thường vận động quá mức cũng dễ xảy ra hơn.
3. Ăn uống thiếu dinh dưỡng
Dinh dưỡng cũng có sự tác động nhất định đến xương khớp, nhất là với những ai đang bị đau cổ vai gáy. Việc ăn uống thiếu dinh dưỡng, thường ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường, lạm dụng rượu bia...
Đồng thời không chủ động bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxi (như sữa và các chế phẩm từ sữa, hải sản, cá... ) trong các bữa ăn chính là nguyên nhân khiến các khung xương, khớp trong cơ thể dễ bị lão hóa, gây ra tình trạng thoái hóa xương khớp sớm hoặc loãng xương.
Với người đang mắc bệnh đau cổ vai gáy thì sẽ càng cảm thấy đau đớn hơn do phần cơ, xương ở các vùng này bị yếu đi.