Tiết kiệm vốn là một mỹ đức tốt đẹp của người Việt Nam. Bất kể bạn ở đâu, làm gì, bao nhiêu tuổi, thu nhập hiện tại bao nhiêu thì tiết kiệm vẫn là một việc nên làm. Tiếm kiệm trước hết là để bảo vệ chính bản thân mình trước những rủi ro không ngờ tới. Sau là để dự phòng một khoản để lo cho mình khi về già, không cần phụ thuộc vào con cái.
Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn vì sao mình cần tiết kiệm.
Vài hôm trước, tôi có cùng đồng nghiệp bàn về vấn đề tiết kiệm tiền.
Đồng nghiệp T. nói: "Xã hội hiện đại, vẫn nên có tài khoản tiết kiệm thì hơn, nếu không thì rồi sẽ có ngày, ông sẽ phát hiện ra một bước cũng khó đi. Đặc biệt là khi các ông gấp gáp cần tiêu tiền, vay tiền cũng khó, tài khoản tiết kiệm chả có bao nhiêu, quả thực rất bất lực, Chẳng may bệnh nan y, không có tiền, sống kiểu gì?"
Đồng nghiệp khác lại nói: "Đấy là mấy ông quan niệm cũ rích, chăm chăm tích tiền, từ từ tiêu. Nhưng nhiều năm qua rồi, ông sẽ phát hiện ra: tiền để trong ngân hàng dần dần mất giá, vất vả bao năm, cuối cùng vẫn là một tên nghèo. Chẳng hạn như phú hộ của thế kỉ trước, nếu chỉ biết tích tiền lại, rồi giờ mới lấy tiền ra, mấy trăm triệu ngày xưa thì to tát, giờ lại chỉ là chút tiền cỏn con. Nếu ngày xưa đem tiền lên thành phố mua nhà, thế có phải là tiền có giá trị hơn rất nhiều rồi không."
Xã hội hiện đại, có người cho rằng, càng có nhiều tiền, càng phải biết cách tiêu, tiền làm ra là để tiêu, nếu không thì đâm đầu vào kiếm tiền để là gì, cứ sống nghèo nàn là xong. Cũng có người cho rằng, không có tài khoản tiết kiệm mới thực sự là người nghèo, sống không có sự chắc chắn.
Thực ra, người tiết kiệm và không tiết kiệm, sau 50 tuổi, cách biệt sẽ rất rõ nét. Bước vào tuổi 50, đời người cũng xem như trôi qua một nửa, sức khỏe dần dần xuống dốc, sức lực làm việc không còn được như trước, nguy cơ hơn đó là năng lực kiếm tiền cũng dần trở nên yếu ớt hơn. Thời đại không ngừng tiến bộ, người 50 tuổi, thường không dễ dàng bắt kịp thời đại nữa, cuộc sống sẽ trở nên bị động hơn. Bước vào tuổi này, có tiền và không có tiền tiết kiệm, quả thực ảnh hưởng rất lớn tới nửa đời còn lại.
Bước qua tuổi 50, không có đồng nào, nghĩ thôi cũng thấy sợ
D., sống cùng khu với tôi, năm nay 55 tuổi, quan niệm tiêu dùng của anh ấy là: "Vứt tiền vào ngân hàng chính là đang tặng tiền cho người khác tiêu". Anh ấy cho rằng, mình đem gửi tiền vào ngân hàng, chính là đang tạo điều kiện cho ngân hàng cho mấy người nhà giàu vay tiền để họ phát tài hơn, còn người gửi tiền, thì vẫn cứ nghèo.
Quan niệm này của anh ấy từ nhỏ đã vậy rồi, cũng chính vì vậy mà anh ấy không có thói quen gửi tiết kiệm.
Tháng trước, con trai đưa bạn gái về nhà, D. rất vui, cả nhà cùng tới một nhà hàng đầu phố ăn mừng. Ăn xong, D. đi thanh toán tiền, phát hiện ra trong thẻ chỉ còn có 500 ngàn. D. lén lút gọi vợ ra thanh toán, vợ anh ấy nói: "Tiền trong nhà đều do ông quản hết còn gì, tôi làm gì có tiền?". Bất đắc dĩ, D. phải gọi con trai ra thanh toán, con trai nói: "Ba ơi, lần này con đưa bạn gái về nhà, là có việc muốn xin ba, ba cho con tiền trả tiền mua nhà đợt đầu, để chuẩn bị cho việc kết hôn". D. nghe xong tức giận: "Mày suốt ngày chi biết xin tiền, ba lấy đâu ra tiền cho mày", vì D. khá lớn tiếng nên bạn gái của con trai cũng nghe thấy.
Trong lúc D. và con trai còn chưa biết làm sao thì bạn gái của con trai đứng dậy bỏ đi. Trông thấy tình cảnh này, D. tự tát mình một cái.
Nghĩ lại. D. trước đó luôn nỗ lực kiếm tiền, nhưng năm nào tổng kết lại cũng đều chi nhiều hơn thu. D. và vợ thường xuyên đi du lịch, hai người lại thích chơi mấy trò đỏ đen, thua cũng là chuyện thường tình. Ngoài việc bỏ tiền ra xây được một ngôi nhà khang trang hơn ra, D. không còn tiêu tiền cho việc gì to lớn và giá trị hơn.
Lỗ Tấn từng nói: "Tự do tất nhiên không thể mua được bằng tiền, nhưng có thể vì tiền mà bị bán đi". Một người, khi còn trẻ, vì theo đuổi tự do, vì tận hưởng cuộc sống nên tiêu hết sạch tiền, ngoài mặt thì là "hào phóng, thoải mái tâm lý", nhưng hậu quả thì sau này ắt rõ.
50 tuổi, không còn sức lực kiếm được tiền như trước, nhưng chi tiêu trong nhà lại chẳng vơi đi, thậm chí có nhiều việc cần phải nghĩ hơn, muốn ăn sung mặc sướng? Nghĩ đã thấy sầu. 50 tuổi, tài khoản tiết kiệm tính được trên đầu ngón tay, vậy thì tự do ở đâu ra? Ăn sung mặc sướng ở đâu ra? Không muốn làm gánh nặng cho con cái ở đâu ra? Muốn giúp đỡ con cái ở đâu ra? Còn rất nhiều cái "ở đâu ra" mà bạn còn chưa nghĩ ra hết.
Qua tuổi 50, có tiền tiết kiệm, có sự chắc chắn, bảo đảm
Tháng trước, khu của chúng tôi đổi bảo vệ. Anh bảo vệ mới tên C., năm nay 57 tuổi. Anh C. là người thật thà, làm việc nghiêm túc. Tôi thì vẫn nghĩ là anh ấy đi làm vì mưu sinh.
Tuần trước, có cơ hội được ngồi lại với nhau nói chuyện. C. nói: "Ở nhà chán quá nên ra ngoài làm bảo vệ". Thì ra, khi còn trẻ, C. từng làm ở một nhà máy điện, mua được 2 căn nhà, tiền tiết kiệm cũng được mấy trăm triệu. Hiện tại, anh ấy đã nghỉ hưu, ở nhà chán quá cũng buồn chân buồn tay nên ra ngoài làm bảo vệ cho vui, cho có người nói chuyện.
Có người nói: "Tiền là vạn năng, nếu bạn dùng tiền mà vẫn không làm được, vậy thì đó là bởi tiền của bạn không đủ". Câu nói này nghe thì có vẻ rất "sùng bái chủ nghĩa tiền bạc", nhưng nó cũng không phải không đúng, mà đúng đến trần trụi. Tuổi càng lớn, càng nhận thức được tầm quan trọng của đồng tiền.
Bước vào tuổi 50, muốn sống sung sướng, phải có tiền. Có tiền, không phải là để "khoe mẽ", mà là để có cảm giác an toàn. 50, "tâm an" là phúc, không phải lo lắng mình không có tiền, không phải lo lắng chẳng may mất việc, không phải lo lắng chuyện nghỉ hưu, không phải sống dựa dẫm vào ai…
Bước qua tuổi 50, bắt buộc phải chuẩn bị cho mình tiền dưỡng lão trước, tránh khung cảnh bi thương sau này
Các cụ hay bảo "dưỡng lão cứ để con cái lo", nhưng thực ra, bất kể làm gì, dựa vào mình là tốt nhất, chuyện dưỡng lão cũng không phải là ngoại lệ. Một người, không có tiền, già rồi, ngửa tay ra xin tiền con cái, con cái hiếu thảo thì không sao, nhưng gặp phải đứa trời đánh, lúc đó mới thấy mình đáng thương…
50, rồi 60, không lương hưu, không tiết kiệm, bệnh rồi cũng chỉ có thể biết "đợi, dựa vào, nghe theo" số trời.
Người xưa bảo rồi "ở lâu trên giường bệnh, chẳng con nào là hiếu thảo", sau này chẳng may có không động đậy được nữa, chỉ chăm chăm dựa vào con cái, cũng chưa chắc đã chắc chắn 100%, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là bạn không muốn làm phiền con cái vì chúng cũng đã có đủ gánh nặng để lo rồi, bạn hoàn toàn có thể tự bỏ tiền ra thuê người chăm sóc mình, hoặc vào viện dưỡng lão…
Con người, càng có nhiều tiền tiết kiệm, về già càng đáng tiền. Con cái khi ấy muốn hiếu thuận với bạn, chỉ cần ở bên bạn là được rồi, không cần phải tiêu tiền này tiền nọ, áp lực kinh tế cho chúng cũng nhỏ bớt đi.
Kiếm tiền, phải tranh thủ mà làm sớm, tiết kiệm tiền cũng vậy. Có tài khoản tiết kiệm, có chỗ dựa rồi, về già mới càng viên mãn, hạnh phúc và tự tại.