Phẫu thuật thất bại
Trong mọi nguy cơ của việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, thì nguy cơ phẫu thuật thất bại với hiệu quả không như mong muốn, “lợn lành thành lợn què” là nguy cơ dễ thành hiện thực nhất. Mối lo này luôn thường trực và có thể thấy ngay sau khi ca phẫu thuật hoàn thành. Việc phẫu thuật cho “đầu ra” không như ý, dù là nhỏ nhất, từ cặp môi không đỏ như ý muốn, đến cặp ngực bị lệch… đều có thể xảy ra. Những lời hoa mỹ như phẫu thuật thành công đến hoàn hảo và đẹp mãi cùng thời gian chỉ tồn tại trong những mẩu quảng cáo.
Phục hồi khó
Không một bác sĩ nào sau một đêm có thể biến chú vịt con xấu xí thành thiên nga. Sau khi tiếp nhận phẫu thuật nâng ngực hoặc nâng mũi, bệnh nhân thường cần thời gian khoảng 2 tuần mới có thể sinh hoạt như người bình thường, nhưng những vết sẹo và vết thâm tím thì vẫn còn hiện hữu. Khoảng 100 ngày sau, các bộ phận được phẫu thuật mới có thể dần hồi phục. Sau 6 tháng, hiệu quả thường mới thể hiện rõ. Ngoài ra, trong một thời gian dài, bạn không thể sống như bình thường.
Biến dạng cơ thể
Một số người tân trang nhan sắc sau khi rời khỏi bệnh viện đã cảm thấy tồi tệ hơn trước khi họ quyết định phẫu thuật thẩm mĩ. Trong quá trình phẫu thuật thẩm mĩ, da bị kéo mạnh, cắt giảm hoặc loại bỏ vì thế, bạn có thể phải đối mặt với một số nhiễm trùng và chúng có thể để lại những vết sẹo lớn.
Chảy máu/tụ máu
Chảy máu là hiện tượng có thể xảy ra sau thời gian kết thúc phẫu thuật thẩm mỹ khoảng vài tiếng đồng hồ và có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt, nguy cơ chảy máu trong, tụ máu trong khó phát hiện ngay sau khi phẫu thuật hoàn thành, nhưng lại rất nguy hiểm đến tính mạng. Từ những biểu hiện vết thâm tím dưới da ban đầu mà người bệnh nhân rất dễ chủ quan, sự tích tụ máu dưới da có thể dẫn đến việc bị tê, sưng, viêm, nặng hơn thì hoại tự, xuất huyết, vỡ mạch máu…
Nhiễm trùng
Nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn trong mọi cuộc phẫu thuật, tuy nhiên, phẫu thuật thẩm mỹ, với đặc thù hay phải cấy ghép vào cơ thể nhiều thứ, phẫu thuật thẩm mỹ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Đặc biệt, vài tiếng sau khi phẫu thuật, do đặc tính các vết thương mở, vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Dấu hiệu của việc nhiễm trùng là sốt, vết mổ tiết dịch có mùi, bị viêm hoặc sưng.
Hiện tượng tiết dịch
Hiện tượng này cũng tương tự như việc bị tụ máu, thường xảy ra trong những ca phẫu thuật cắt bỏ, hút các chất ra ngoài cơ thể. Thông thường, các bác sĩ sẽ khác phục việc này bằng cách lắp ống để dịch tiết ra ngoài, nhưng đôi khi không thể giải quyết hết vấn đề này. Triệu chứng của hiện tượng tiết dịch trong cơ thể là bị phù nề, lên cân, sưng tấy…
Sẹo, đau đớn về thể xác, phù nề... là những vấn đề mà bệnh nhân phải đối mặt.
Sẹo
Những vết sẹo là mặt trái của các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ mà mọi bệnh nhân quyết định thực hiện nhờ dao kéo chỉnh sửa sắc đẹp đều phải đối mặt. Dù công nghệ phẫu thuật ngày càng được nâng cao, các ca phẫu thuật ngày càng được giảm thiểu việc để lại sẹo, nhưng không phải lúc nào cũng có thể xóa mọi dấu vết.
Ngay cả khi bạn chi một số tiền khổng lồ để phẫu thuật tại các thẩm mĩ viện chất lượng nhất, thì sức khỏe và cơ địa của bạn vẫn luôn ảnh hưởng rất lớn tới kết quả sau cùng. Bác sĩ có thể thực hiện những quy trình phẫu thuật y như nhau cho hai người, nhưng sau một thời gian hồi phục, kết quả đạt được lại hoàn toàn trái ngược. Những người có da sẫm màu, nói cách khác là có sắc tố da cao, khả năng để lại sẹo sau phẫu thuật gần như là rất cao.
Hoại tử
Hoại tử là dấu hiệu của việc bị “chết” một phần trên cơ thể do việc giảm lượng máu cung cấp cho các mô bị ảnh hưởng, và dẫn đến tế bào bị chết. Các ca phẫu thuật thông thường hiếm khi dẫn đến hoại tử, nhưng một số loại phẫu thuật như phẫu thuật mặt, tạo vòng eo… có nguy cơ dẫn đến hoại tử cao.
Tổn hại về thần kinh
Dù hiếm khi xảy ra, nhưng phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể gây ra những tổn thương về thần kinh, với những biểu hiện đầu tiên là cảm giác tê hoặc ngứa ngáy liên hồi, sau đó có thể dẫn đến chứng suy yếu hoặc bại cơ. Nguy cơ này có thể đến với những ca phẫu thuật mang tính chất tái tạo, phục hồi.
Phản ứng với thuốc gây tê/gây mê
Mọi ca phẫu thuật thẩm mỹ đều cần đến thuốc gây tê và gây mê. Đại đa số các bệnh nhân đều có thể tiếp nhận các loại thuốc này, nhưng có một số ít gặp phản ứng với thuốc này và dẫn đến những nguy hiểm về tính mạng ngay khi ca mổ mới chỉ bắt đầu.
Những căn bệnh nan y và sự suy giảm của các cơ quan nội tạng
Theo thống kê, phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là các loại phẫu thuật chỉnh sửa, nâng, thu hẹp, cấy ghép… đều có khả năng dẫn đến bệnh ung thư cho người thực hiện phẫu thuật. Những cuộc phẫu thuật làm đẹp như bơm silicon, tắm trắng, tẩy da… có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao. Bên cạnh đó, dù không phải là đối tượng trực tiếp của các ca phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng việc bị “đụng chạm”, tác dụng phụ của các loại thuốc… cũng sẽ khiến các cơ quan nội tạng như gan, phổi, tụ… bị ảnh hưởng về lâu dài.
Tổn thương về tâm lý
Những người thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ với mục đích để mình đẹp và tự tin hơn, nhưng ngược lại, phẫu thuật thẩm mỹ cũng dễ dàng dẫn đến những tổn thương về tâm lý. Việc ngại không muốn người khác biết mình dao kéo, luôn thấp thỏm lo lắng các yếu tố nhân tạo bị hỏng hóc, phải thường xuyên nhờ đến thuốc và trị liệu để duy trì tác dụng của phẫu thuật… rất dễ dẫn đến sự mệt mỏi, căng thẳng về tâm lý, lâu dài có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
Tử vong
Trước khi đến với công cuộc làm đẹp nhờ dao kéo, không ai nghĩ đến những “cuộc phẫu thuật mang tính chất cải tạo nhan sắc, hoàn toàn không liên quan đến các vấn đề về sức khỏe” lại có thể dẫn đến những cái chết thương tâm. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, khi đã đụng đến dao kéo, dù là bất cứ lý do gì, nguy cơ tử vong vẫn tiềm tàng. Những nguy cơ từ phẫu thuật thẩm mỹ có thể xảy ra với mọi bệnh nhân, không có ngoại lệ. Trước khi lên bàn mổ với mục đích để mình đẹp hơn, các bệnh nhân luôn phải lường trước mọi tình huống có thể đến với mình.
Tuy nhiên, việc duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm thiểu những nguy cơ phát sinh khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Những người không hút thuốc, có chế độ uống khoa học, tránh ăn nhiều dầu, mỡ… sẽ giúp giảm các biến chứng khi phẫu thuật, thời gian liền sẹo nhanh hơn… Dù vậy, tìm hiểu, nắm rõ sức khỏe của bàn thân là điều mà mỗi một người cần phải làm trước khi đến với phẫu thuât thẩm mỹ