Nhiều ca sởi diễn biến bất thường

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có trẻ mắc sởi sáng nhập viện vẫn chơi đùa nhưng chiều đã thở gấp, tối phải thở máy. Có bé rút được máy thở sau 10 ngày nhưng không ngờ lại tử vong sau đó.

Virus tấn công trực tiếp vào phổi

Chia sẻ tại hội nghị tập huấn tăng cường công tác điều trị sởi ngày 22/4, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng ông thấy nhiều điểm lạ trong dịch sởi năm nay.

Dịch sởi diễn biến bất thường khiến nhiều người dân lo ngại.

Đến nay, khoa tiếp nhận hơn 160 ca sởi, trong đó 8 ca đã tử vong. Từ đầu dịch, khoa liên tiếp nhận 3 ca sởi có diễn biến chỉ trong một ngày đã suy hô hấp rất nặng (1 ca tử vong). Qua xét nghiệm, các BS chỉ tìm thấy virus sởi, không có tác nhân khác gây suy hô hấp.

Theo phó giáo sư Dũng, điều rất lạ là virus sởi tấn công thẳng vào phổi, gây viêm phổi, suy hô hấp; trong khi thông thường phải sau khi sởi ban, trẻ mới bị các biến chứng viêm phổi. Cả 4 ca mắc sởi với bệnh trạng tương tự như vậy đều tử vong trong vòng 3-4 ngày đầu của bệnh.

Có bệnh nhi khi nhập viện sức khỏe bình thường, cháu vẫn chơi đùa, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bệnh nhi có dấu hiệu thở gấp, khó thở và phải hỗ trợ máy thở ngay. Có trường hợp, sau thời gian điều trị, diễn biến sức khỏe hồi phục, được "cai" thở máy, nhưng sau đó lại diễn biến xấu, phải thở lại máy, nhưng vẫn không cứu được.

"Có hai nguyên nhân khiến bệnh của trẻ nặng lên do cơ địa và bản thân con virus. Nhiều trẻ đã khám tổng thể không có bất cứ bệnh nền nào nhưng điều trị sởi rất dai dẳng, thậm chí tử vong. Điều này rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn", phó giáo sư Dũng nói.

Những ca mắc sởi vẫn tăng cao

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong ngày 22/4 cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi xác định trong số 230 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Có 03 trường hợp bệnh nhân nặng xin về tại Bệnh viện Nhi Trung ương (01) và Bệnh viện Bạch Mai (02). Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.481  trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Không chỉ Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nam... cũng ghi nhận xu hướng gia tăng các ca mắc sởi.

Từ tháng 2 đến nay, Nghệ An ghi nhận 218 ca mắc sởi, trong đó có 1 ca tử vong, 2 trường hợp nhiễm sởi kèm theo bệnh lý khác quá nặng đã được bệnh viện trả về gia đình. 9 ca nặng được chuyển lên tuyến trên. Ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc Sở y tế Nghệ An cho biết, sởi vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Nghành đã tham mưu cho ủy ban tỉnh cấp khẩn cấp 7 máy thở mới cho bệnh viện nhi. Sở đang triển khai kế hoạch tiêm sởi cho trẻ em toàn tỉnh hoàn thành trước 6/5.

Tại Hải Phòng trong 2 tháng gần đây cũng ghi nhận 80 ca sởi, một trường hợp tử vong. Nhiều ca bệnh diễn biến phức tạp, biến chứng nặng, tập trung nhiều ở trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Thanh Hóa cũng báo cáo có 71 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 12 ca dương tính.

Đồng thời, số bệnh nhân nặng phải điều trị, thở máy vẫn duy trì ở mức cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện có 254 bệnh nhân sởi đang điều trị, trong đó số bệnh nhân phải thở máy là 17 trường hợp.

Khoa Nhi (BV Bạch Mai) có 67 bệnh nhân đang điều trị sởi, trong đó số bệnh nhân nặng là 9, thở máy 3 trường hợp.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương số bệnh nhân đang điều trị sởi là 71 trường hợp trong đó có 3 trường hợp thở máy.

Những buổi tập huấn về điều trị này sẽ giúp các bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm thực tế điều trị bệnh nhân sởi, mục đích để giảm thiểu nguy cơ tử vong do sởi.

Bộ Y tế cũng hi vọng, thời gian tới, khi mà chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc hoàn thành, tỉ lệ tiêm chủng tăng lên, số bệnh nhi sẽ giảm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn