Những câu nói quen miệng của cha mẹ làm thui chột tương lai của con nhưng nhiều người hay mắc

19:32, Thứ ba 10/10/2023

( PHUNUTODAY ) - Người lớn hay chủ quan cho rằng trẻ nhỏ biết gì, chúng nhanh quên nhưng có một sự thực là những câu nói gây tổn thương có thể ghim vào trong tâm trí trẻ và ảnh hưởng tới cả sau này.

Không muốn con sau này bị đè nén mất tự tin, kém phát triển, thì cha mẹ ơi tuyệt đối nhớ đừng hớ hênh lỡ lời với con như thế này nhé:

Con chẳng có cái gì hết!

Cha mẹ là bạn bè đồng hành với con thì con cái sẽ gần gũi sẻ chia. Cha mẹ là người luôn dùng quyền lực người lớn với con thì con cái sẽ cảm thấy sợ hãi và xa lánh. Thế nên cha mẹ tuyệt đối đừng cho rằng khi con còn nhỏ chưa làm ra tiền, con còn phụ thuộc vào mình thì nói gì cũng được. Đừng phớt lờ ý kiến cảm xúc của con, đừng cho rằng con không có cái gì hết trước khi con biết kiếm ra tiền.

Nếu bạn thường xuyên ghim vào đầu con trạng thái con chẳng có gì hết thì sau này trẻ sẽ thành một đứa trẻ mất cân bằng, nghiện việc để chứng minh với chính cha mẹ mình, để thoát khỏi cha mẹ mình, để thể hiện sự chiến thắng với cha mẹ mình.

Câu nói đó cũng khiến trẻ không bao giờ thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Chúng sẽ thành những đứa trẻ bất hạnh, dễ trầm cảm, lo lắng stress.

cha me noi 2

Có việc đó mà cũng không làm được?

Có thể con bạn chậm hơn con người khác, có thể việc đó bạn thấy quá dễ mà sao trẻ không làm được. Có thể bạn cho rằng một câu “tiêm kích” sẽ thúc đẩy con. Nhưng thực sự cách nói đó khiến trẻ sẽ nghĩ mình vô dụng. Đôi khi vì nghĩ việc thế mà còn không làm được khiến trẻ không dám dấn thân không dám gì tiếp theo vì nghĩ mình quá kém cỏi. Do đó thay vì chỉ trích con kém, thể hiện sự coi thường con, hãy động viên con “Một chút nữa thôi, sắp được rồi con”. Lời khích lệ sẽ cho con thêm sức mạnh để tiếp tục.

Con có mau lên không

Đừng gây stress áp lực sẽ khiến con cảm thấy cuống cuồng hơn. Hãy nói một cách đơn giản nhẹ nhàng hơn như “Cố gắng lên con, chúng ta trễ giờ đấy”.

Người lớn đang nói chuyện, con ra chỗ khác

Nhiều khi con cái nói leo hóng hớt gây phiền cho cha mẹ. Tuy nhiên đừng nói kiểu hồn nhiên xua đuổi “con ra chỗ khác cho mẹ nói chuyện”, hãy lịch sự với trẻ “Con có thể đợi mẹ một chút để mẹ nói chuyện không”, “Con sang phòng bên cạnh chơi chờ mẹ một chút nhé”. Cho con vai trò là một cá thể riêng và độc lập, điều đó sẽ giúp con biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, sau này cũng sẽ tôn trọng cha mẹ mình.

cha me noi 1

Con muốn quá nhiều thứ

Trẻ con có thể hay đòi hỏi nhưng thay vì những lời từ chối dạng trách móc, hãy nói với con vì sao con không nên như vậy, vì sao mẹ chưa thể đáp ứng con lúc này. Việc cha mẹ lần lướt trách móc con sẽ khiến con thui chột ý chí khát khao của chính mình. Thay vì vậy hãy khuyến khích trẻ làm những điều tốt hơn để có thể đạt được nguyện vọng đó.

Sao con làm lại hỏng vậy, để đấy cha/mẹ làm cho mà xem

Đôi khi việc để trẻ làm sẽ làm tốn thêm của bạn một khoản tiền nhưng đó lại là cách dạy cho trẻ biết làm và những lần sau bạn và con không phải trả giá đắt nữa. Còn nếu bạn cứ làm thay con thì dần dần con không biết làm gì cả, và thế là tương lai của con sẽ bị thui chột dần đi. Hơn nữa vì cách hành xử đó của cha mẹ khiến con dần dần nghĩ mình chẳng làm được gì có ích cả, mình chẳng có năng lực gì, bố mẹ không ghi nhận mình. Hãy để con được làm kể cả hỏng, bạn hãy dần chỉ cho con cách để con hoàn thiện. Đó chính là bài học tuyệt vời giúp con rèn luyện kỹ năng.

Cha/mẹ cần yên tĩnh!

Nếu con đang làm phiền bạn, thay vì nói một cách rất vô tình Mẹ cần yên tĩnh, hãy nói lúc này mẹ muốn nghỉ ngơi một chút, một lúc nữa mẹ con mình sẽ chơi tiếp nhé. Nếu bạn đang mải mê làm mà con muốn bạn giúp gì đó đừng phớt lờ, vì chúng sẽ cho rằng chúng không có ích không được yêu thương quan tâm. Hãy nói với con rằng “ Mẹ bận nốt mấy phút nữa, đợi mẹ mẹ sẽ quay ra giúp con”.

loi cha me 4

Con có thể làm tốt hơn thế đấy

Khi con đạt thành tích gì đó hãy ghi nhận con tuy nhiên không nên thường xuyên nói Con còn có thể làm tốt hơn nữa. Bởi như vậy trẻ có thể thấy cha mẹ còn kỳ vọng cao hơn và chúng chưa hoàn thành. Điều đó gây căng thẳng cho con. Nếu muốn kỳ vọng cao hơn, bạn hãy khích lệ con “Con đã hoàn thành rất tốt, con có nghĩ rằng con sẽ làm tốt hơn vào lần sau không?” để xem phản ứng của con thế nào. Tất nhiên hãy cho con được nghỉ ngơi, đừng đòi hỏi con quá nhiều chúng sẽ stress trong sự quay cuồng kỳ vọng

Thật xấu hổ vì con!

Khi con còn nhỏ, đừng nên trách lỗi con như thế này. Chúng sẽ cảm thấy rất tội lỗi. Hãy giải thích cho con hiểu về những sai lầm của con và hướng dẫn chúng lần sau hành động tốt hơn. Hãy nói “Mẹ nghĩ là con làm thế chưa được đúng đâu, con nên… và mẹ tin con lần sau sẽ không như thế đâu”.

Con sẽ chẳng làm nên việc gì

Sự thiếu tin tưởng của bố mẹ chính là con dao sắc lẹm chặt đứt hy vọng và niềm tin của con. Niềm tin của cha mẹ chính là đòn bẩy để con hướng tới tương lai. Cha mẹ là người gần gũi con nhất mà lại phủ định con như vậy thì đứa trẻ lấy đâu ra tự tin để bước tiếp?! Hơn nữa mỗi đứa trẻ sinh ra có một thế mạnh nhất định, nên biết khuyến khích con đúng chỗ sẽ tạo ra thiên tài, còn nếu chỉ chê bai con sẽ càng ngày càng kém. Khi con lớn hơn, cha mẹ càng không tin tưởng còn càng cố thể hiện nhưng lại theo hướng rất tiêu cực, không có hạnh phúc hoặc chúng sẽ đầu hàng vì bố mẹ đã nói thế thì cố làm gì không được đâu.

Đôi khi lời nói đi rất nhanh không rút lại được nhưng nó ám ảnh trong tâm trí trẻ mãi sau này. Bởi vậy ngay cả với con cái mình, khi con còn nhỏ cũng đừng cho rằng nói xong rồi thôi. Trẻ rất nhạy cảm, ngay cả khi trẻ không giận cha mẹ nhưng những lời nói sát thương ấy có thể vô thức và in hằn vào tâm trí trẻ. Bởi vậy hãy thận trọng khi phát ngôn với con nhé.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: An Nhiên