Các loại táo, lê, ổi, mơ, bưởi, cam, kiwi, dâu tây, lựu, bơ, mận, đào, mâm xôi, việt quất, cherry... là những loại quả có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ, người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng. Ngược lại, một số loại quả có chỉ số đường huyết cao như chuối, nho, dưa hấu, dứa, cam ngọt,... người bệnh nên hạn chế. Mặc dù vậy, bác sĩ vẫn có thể cho người bệnh ăn trái cây ngọt theo chế độ, cách thức khoa học, nhằm đảm bảo chỉ số đường huyết, đáp ứng nhu cầu.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thêm, người bệnh đái tháo đường có thể chọn ăn những loại quả chín, ngọt với lượng vừa phải, từ 150-200 g mỗi ngày. Điều này giúp cơ thể không bị thiếu hụt nhóm chất dinh dưỡng, không bị thừa đường.
Xoài là loại quả xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết thấp. Thậm chí có nghiên cứu cho thấy, xoài giúp cải thiện độ nhạy cảm của insulin, có lợi cho người bị đái tháo đường. Một quả xoài nặng 300 gam thì người bệnh đái tháo đường có thể ăn khoảng 50 gam tức tương đương khoảng 1/4 quả. Việc này giúp cơ thể dễ dàng hấp thu, chuyển hóa tốt hơn.
Với loại trái cây ngọt như sầu riêng, mít, chuối xiêm thì người bệnh cũng có thể ăn với lượng phù hợp. Ví dụ, người bệnh đái tháo đường có thể ăn một múi sầu riêng hay 3-4 miếng mít mỗi ngày trong bữa phụ để hạn chế việc nạp nhiều đường vào cơ thể, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Trâm lưu ý ngoài chỉ số đường huyết, để xác định số lượng trái cây nên ăn, người bệnh cần ghi nhớ quy tắc một khẩu phần phù hợp là bằng một nắm tay. Nếu mỗi lần ăn số lượng trái cây nhiều hơn một nắm tay, có thể ảnh hưởng đến mức insulin.
Người bệnh để nguyên quả và cắt ra ăn theo số lượng cho phép, thay vì uống nước ép hoặc xay sinh tố. Bởi khi trái cây xay sinh tố hoặc làm nước ép sẽ tăng số lượng khẩu phần người tiểu đường được ăn gấp 4 lần, có nguy cơ gia tăng đường huyết. Nước ép hoa quả cũng khiến cơ thể người bệnh hấp thu nhanh hơn, vì thế đường huyết tăng nhanh. Việc ăn trái cây thô sẽ giúp bệnh nhân hấp thụ thêm chất xơ, do đó đường huyết sẽ kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, mỗi người nên ăn hoa quả sau bữa ăn 2 giờ vì lúc này sẽ không làm đường huyết tăng đột ngột. Thời gian lý tưởng để ăn trái cây là giữa buổi sáng, khoảng 11h hoặc buổi chiều lúc 17h. Không nên ăn trái cây khô, đóng hộp bởi lượng đường trong những loại quả bị cô đặc, không thích hợp với người mắc bệnh tiểu đường.
Nguyên tắc cơ bản về chế độ dinh dưỡng cho người bị tiểu đường gồm: hạn chế tinh bột (carbohydrate) trong bữa ăn; hạn chế các thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt) để tránh đường huyết tăng cao sau ăn; sử dụng lượng chất béo vừa phải, ưu tiên acid béo không bão hòa từ các nguồn thực phẩm cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng… để tránh rối loạn chuyển hóa; tăng cường rau xanh, trái cây ít ngọt để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường cần chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa/ngày) để tránh tăng đường huyết quá mức sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn. Với bệnh nhân điều trị bằng insulin tác dụng chậm có xu hướng dễ bị hạ đường huyết trong đêm thì nên có thêm một bữa ăn phụ trước khi ngủ.
Người bệnh tiểu đường kèm các bệnh khác nhau sẽ có chế độ ăn kiêng khác nhau.
Chẳng hạn, với tiểu đường kèm gout, ngoài chế độ ăn uống thân thiện với bệnh tiểu đường, bệnh nhân nên hạn chế thực phẩm có nhiều purine như như thịt đỏ và hải sản (tôm, tôm hùm, trai, cá cơm, cá mòi); hạn chế hoặc loại bỏ rượu; uống nhiều nước; bổ sung các sản phẩm từ sữa như sữa tách béo và sữa chua ít béo.
Người bệnh tiểu đường biến chứng tim mạch nên hạn chế muối, thức ăn nhiều cholesterol như da, mỡ (trừ mỡ cá), nội tạng động vật, đồ chiên, xào, nướng và đồ ăn nhanh.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường nên đi khám định kỳ, theo dõi đường huyết định kỳ để bác sĩ điều chỉnh thuốc uống phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Bệnh nhân cũng cần thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà. Khi người bệnh phát hiện đường huyết tăng quá mức nhưng cơ thể vẫn tỉnh táo và khỏe mạnh, bác sĩ Trâm khuyến cáo nên giảm ăn lại, tập thể dục, uống nhiều nước và thử đường tiếp theo trong vài ngày tới. Nếu chỉ số vẫn tiếp tục cao thì đi khám lại để bác sĩ tìm nguyên nhân, điều chỉnh liều uống. Nếu thấy đường huyết tăng đi kèm các triệu chứng như nằm li bì, bắt đầu ói mửa… bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện, vì đây có thể là một biến chứng cấp của tiểu đường.