Theo bà Thu Hằng thì 4 tháng nay NSND Thế Anh phải nhập viện vì bị tai biến và đến sáng nay ông bị một cơn nhồi máu cơ tim. Dù đã được các y bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu nên ông đã không qua khỏi.
NSND Thế Anh sinh 1938 tại Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ 3 trong một gia đình khá giả, mẹ là một tiểu thương, cha ông là người học hành đỗ đạt xuất sắc.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, ông công tác tại trường Trung Cao cấp quân sự trong 2 năm. Năm 1961, ông trúng tuyển vào Khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội. Mới nhập học được 4 tháng, ông ghi tên và trúng tuyển lớp diễn viên của trường Nghệ thuật Sân khấu.
Nhờ nét phong lưu và chiều sâu trong diễn xuất, ông hóa thân thành nhiều loại nhân vật cả phản diện lẫn chính diện, từ sĩ quan đến bộ đội, các bác sĩ, kĩ sư, thầy giáo, thủy thủ... Tổng cộng ông đã đóng hơn 60 bộ phim nhựa và phim truyền hình của cả miền Bắc lẫn miền Nam (sau 1975), đưa ông trở thành một trong những diễn viên kì cựu của điện ảnh Việt Nam. Năm 1984, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Ngày 29/9, NSND Thế Anh đã qua đời sau hơn 4 tháng điều trị bệnh lý nhồi máu cơ tim. Sự ra đi của NSND Thế Anh khiến nhiều người luyến tiếc, nền nghệ thuật nước nhà mất đi một cây đại thụ.
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch thường gặp ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim có giảm so với trước đây nhờ những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên hậu quả và biến chứng sau nhồi máu cơ tim vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Nhồi máu cơ tim và các dấu hiệu cảnh báo
Triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ.
Khi có những cơn đau ngực như vậy, hãy đến một bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp. Hiện nay, tại nước ta đã có hơn 55 trung tâm tim mạch can thiệp trên hơn 20 tỉnh thành trong toàn quốc. Khi nhồi máu cơ tim, các bạn nên đến những trung tâm tim mạch can thiệp này.
Khi có đau ngực, thậm chí bạn không chắc chắn là cơn đau ngực như miêu tả trên, bạn cũng nên đến bệnh viện kiểm tra.
Chúng ta nên nhớ nên đến viện sớm nhất có thể khi có đau ngực nghi do nhồi máu cơ tim.
Ai là người dễ bị nhồi máu cơ tim?
Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.
Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.
Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.