Hoãn thi đấu nhiều môn vì sương mù
Nhiệt độ ấm lên khiến lo ngại tuyết tan không phải là vấn đề đáng ngại nhất tại Thế vận hội mùa Đông đang diễn ra ở Sochi, Nga. Sương mù dày đặc đã khiến cho tầm nhìn của vận động viên bị hạn chế, buộc BTC Olympic Sochi phải hoãn nhiều cuộc tranh tài.
Các môn trượt tuyết bắn súng (Biathlon) liên tục bị hoãn vì sương mù ngày một dày hơn. Theo ông Jerry Kokesh- thành viên của Ủy ban trượt tuyết bắn súng thế giới, khi thời tiết xấu, các phần thi trượt tuyết xuống dốc có thể gây nguy hiểm đến các vận động viên.
Sương mù dày đặc đã khiến cho tầm nhìn của VĐV bị hạn chế, buộc BTC Olympic Sochi phải hoãn nhiều cuộc tranh tài. |
Môn trượt tuyết ván của nam cũng đã phải dời lại vào hôm nay (18/2) do tác động của sương mù tới khu Rosa Khutor Extreme Park. Quyết định này được đưa ra sau khi sương mù che phủ bầu trời vào lúc 10h sáng ngày 17/2.
Ban tổ chức mong chờ nội dung thi này có thể diễn ra vào đầu giờ chiều nhưng sương mù không có dấu hiệu loãng đi và cuối cùng nội dung thi này phải chuyển sang ngày khác. Ban tổ chức cũng đã quyết định hủy bỏ vòng loại trượt tuyết ván, do đó tất cả các vận động viên sẽ tham gia ngay vào vòng chung kết dựa trên bảng xếp hạng thế giới hiện tại.
Những bất ngờ từ Sochi
Tuy nhiên, bên cạnh đó Olympic Sochi cũng có những bất ngờ rất lớn khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.
Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến tận bệnh viện thăm VĐV trượt tuyết tự do Maria Komissarova sau tai nạn trong buổi tập tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Không chỉ thăm VĐV bị nạn, ông Putin còn gọi điện thoại cho cha của Maria để động viên và cho biết đã yêu cầu các bác sĩ làm mọi thứ để VĐV này sớm bình phục.
Maria Komissarova bị rạn và lệch một số đốt sống khi bị ngã trong một buổi tập trước khi thi đấu. Hiếm khi nào một nguyên thủ quốc gia quan tâm đến thể thao như vậy, nói chi đến việc tổng thống đến tận giường bệnh thăm một VĐV bị tai nạn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến tận bệnh viện thăm VĐV trượt tuyết tự do Maria Komissarova. |
Cùng với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối, Thế vận hội Sochi còn thực sự là nơi tranh tài đỉnh cao của phong trào Olympic thế giới. Thật ngạc nhiên khi đã thi đấu đến ngày thứ 6 nhưng quốc gia xếp đầu bảng là Đức chỉ đoạt được… 7 HCV, còn chủ nhà Nga mới được 4 HCV. Cả Thế vận hội lần này có 89 bộ huy chương của 15 môn thi đấu với hầu hết các môn có liên quan đến băng tuyết. Nếu tính con số 51 tỷ USD mà chủ nhà Nga bỏ ra để tổ chức so với các bộ huy chương là một con số xa xỉ, nhưng thế giới cũng phải công nhận nước Nga đã đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy phong trào Olympic vốn đang gặp không ít khó khăn liên quan đến chất lượng cũng như sự tác động của yếu tố chính trị, sắc tộc.
Sự tôn vinh tài năng thể thao bằng những huy chương danh giá còn được ban tổ chức khẳng định thêm một lần nữa khi các VĐV đoạt HCV vào ngày 15/2 được trao thêm một huy chương có gắn mảnh thiên thạch. Ngày 15/2/2013, một thiên thạch rơi vào khí quyển trái đất với vận tốc gấp 44 lần vận tốc âm thanh rồi phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, sau đó rơi xuống hồ Cherbakul (miền Trung nước Nga) đang đóng băng. Đây là vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong hơn 100 năm qua và gây nên sự thiệt hại lớn. Nga đã chế tác 50 huy chương có gắn mảnh thiên thạch để kỷ niệm 1 năm vụ nổ này, đồng thời có ý nghĩa tôn vinh vĩnh cửu những người được sở hữu nó.
Nó càng ý nghĩa hơn khi mỗi tấm huy chương ở Sochi là mỗi tấm gương của tinh thần Olympic, như trường hợp của VĐV Yuzuru Hanyu (Nhật Bản). Hanyu là một trong những người hiếm hoi sống sót sau thảm họa sóng thần tại Sendai năm 2011. Khi ấy mới 16 tuổi, anh rời quê hương sang Canada tiếp tục tập luyện. Tại đây, tài năng của Hanyu nở rộ và đến độ chín khi tại Olympic Sochi này, anh đã xuất sắc vượt qua nhiều VĐV khác để đoạt vị trí cao nhất môn trượt băng nghệ thuật đơn nam, trở thành VĐV trẻ nhất từ năm 1948 đoạt HCV môn này.