Biết đủ là giàu có
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Người sống biết đủ, tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc; người sống không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đức Phật và các đệ tử của Ngài gia tài chỉ có ba y phục và một bình bát mà vẫn an lạc, tự tại. Bởi thế mới biết rằng sở dĩ con người khổ là vì có quá nhiều lòng mong cầu, tham muốn.
Chỉ khi dứt trừ tham dục, dừng lại những tạo tác do mê lầm mới cắt đứt được những phiền não, hệ lụy trong cuộc đời, chấm dứt vòng luân hồi lẩn quẩn vì nghiệp duyên ràng buộc, khi đó mới tìm thấy an lạc hạnh phúc thật sự trên cõi đời này như kinh Bát Đại Nhân Giác đã dạy: “Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn đều từ tham muốn mà ra, nếu ít tham muốn, thực hành vô vi thì thân tâm được tự tại”.
Nhu cầu thật sự của con người là hạnh phúc chứ không phải thỏa mãn dục vọng. Nhưng do người ta nhận thức sai lầm rằng hạnh phúc của con người là khi dục vọng được thỏa mãn, trong khi không bao giờ thỏa mãn được tham dục, và chính điều đó đã tạo ra biết bao phiền não khổ đau cho con người.
Cuộc đời mong manh ngắn ngủi, tạm bợ vô thường, sớm còn tối mất nào ai biết trước, niềm vui có được không bao nhiêu nhưng nỗi lo lắng, thất vọng, khổ đau chi phối cả cuộc đời. Càng nhiều tham muốn, dục vọng thì càng nhiều phiền não khổ đau, đến lúc nhắm mắt xuôi tay trở về cùng cát bụi mới hay những gì đã trải qua như giấc mộng.
Vậy mà ai cũng bỏ thời gian, công sức, có khi cả cuộc đời lao tâm khổ trí làm vô số chuyện: tốt có, xấu có; hay có, dở có; thiện có, ác có, tạo ra duyên nghiệp buộc ràng cho mình và cho người khác, làm nên những vòng xoáy cuộc đời nhấn chìm an lạc, hạnh phúc mà lẽ ra chúng ta có được. Có khi tham muốn, khát vọng chưa thỏa mãn thì đã lìa bỏ cuộc đời, bởi đời sống vẫn vô thường, tai nạn, bệnh tật, sống chết là điều không ai biết trước.
Người xưa có câu: “Người không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi”, nuốt không được cũng lại không muốn nhả ra. Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều người bị “danh và lợi” thắt chặt. Họ mãi truy đuổi, một khắc cũng không dừng, có thứ này lại muốn thứ khác, có rồi lại muốn cái mới hơn. Một điều rất hiển nhiên rằng dục vọng của con người là hoàn toàn không thể thỏa mãn được.
Nếu một mực cưỡng cầu thì nhất định sẽ sinh ra phiền não. Con người sống truy cầu danh lợi vốn là để được hạnh phúc, vui vẻ, nhưng rất nhiều người vì truy cầu không được lại đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc vốn có của mình. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn của đời người.
Vì sao người ta cần biết đủ?
“Biết đủ” khiến con người bình tĩnh hơn, an tường, lạc quan và siêu thoát hơn. Ngược lại, không biết đủ sẽ khiến con người rối loạn. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm thì làm, điều gì không nên làm thì dừng lại. Sự khác biệt giữa họ chính là hạn độ. Hạn độ chính là sự đúng mực, là trí tuệ, là một loại trình độ. Người biết đủ luôn có một hạn độ nên họ không dễ phạm phải lỗi lầm và đánh mất lương tâm.
“Biết đủ” là một loại cảnh giới. Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống. Trong mắt của người biết đủ sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được trên thế gian này. Bởi vì họ sẽ luôn vì chính bản thân mình mà tìm kiếm một cách giải quyết phù hợp nhất, tốt đẹp nhất.
“Biết đủ” là một loại rộng lượng. Lòng dạ rộng lượng có thể dung nạp được thiên hạ, cho nên trong mắt người biết đủ, mọi sự tranh giành và đòi hỏi quá mức sẽ là không cần thiết. Cũng chính bởi vì thế mà tâm lý của người biết đủ luôn có sự cân bằng, họ luôn thấy thỏa mãn và giàu có.
“Biết đủ” còn là một loại khoan dung. Khoan dung đối với người khác, khoan dung đối với xã hội, khoan dung chính mình, như vậy mới có được một không gian sinh tồn bao la và rộng lớn. Chính vì thế mà cổ nhân mới luôn dạy: “Thấy đủ thường vui!”.
Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa dễ nổi dậy
Phật đã dạy: Không nên cầu thành công một cách dễ dàng với mình. Cái gì dễ đến thì ắt cũng sẽ dễ đi. Nếu thành công mà chúng ta đạt dễ dàng sẽ gây cho ta kiêu căng tự phụ.
Sự nghiệp đừng mong không chông gai, vì không chông gai thì chí nguyện cũng không kiên cường
Cuộc đời chúng ta lúc nào cũng phải khó khăn, có như thế mới rèn luyện được ý chí. Có như vậy mới tôi luyện được cho bản thân tránh khỏi những phiền não khi vướng vào chuyện khổ đau.
Làm việc đừng mong dễ thành, vì dễ thành lòng thường kiêu ngạo
Khi làm bất cứ việc gì nếu như quá dễ dàng đạt được thành quả thì con người ta sẽ dễ sinh ra ngạo mạn. Sự ngạo mạn này sẽ làm cho con người coi nhẹ việc đạt được thành công, từ đó tạo ra sự thất bại lớn khó có thể có cơ hội vực lại từ đâu được.
Với người đừng mong thuận chiều ý mình, vì thuận chiều ý mình thì tất sinh tự kiêu
Xã hội này lúc nào tồn tại người này, người kia. Chẳng một ai có thể dung hòa cả thế giới được. Thế nên lòng kiêu ngạo nổi lên sẽ xâm lấn con người bạn khi tất cả mọi người thuận theo ý mình. Chính lòng kiêu ngạo sẽ khiến con người trở nên cố chấp, chấp nhặt, và điều này sẽ khiến cuộc sống về sau có nhiều khổ đau.