Nếu phát hiện con mình bị lạm dụng tình dục cha mẹ cũng không nên vì danh dự của gia đình mà giấu nhẹm, cho qua mọi chuyện hay chấp nhận nhận tiền bồi thường để mua lấy sự im lặng, thay vào đó là đến trình báo cơ quan chức năng về sự việc.
Nếu chẳng may, con bạn bị xâm hại tình dục, các bậc làm cha làm mẹ hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để giúp con vượt qua cú sốc này nhé:
1. Vấn đề xâm hại tình dụng trẻ em ngày càng tăng
Theo thống kê của Bộ Công An, trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam.
Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ…
2. Những cách xử lý khi con bị xâm hại tình dục
Khi phát hiện con bị xâm hại tình dục, tốt nhất cha mẹ nên đưa đến trung tâm y tế khám để có hướng điều trị phù hợp. Phụ huynh không nên vì sợ mất danh dự mà im lặng rồi khiến con trẻ chịu nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi con bị xâm hại tình dục, ám ảnh có thể đeo đẳng suốt đời, vì vậy cần tìm cách xoa dịu nỗi ám ảnh ấy.
Nếu trẻ có các dấu hiệu tâm lý bất ổn thì cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý dành cho trẻ em. Nên kiểm tra sơ bộ các tổn thương thân thể của con nếu có, sau đó dù không thấy vẫn cần thiết mang con đến cơ sở y tế để khám sức khỏe toàn diện và tiếp nhận các điều trị nếu cần.
Trẻ bị xâm hại tình dục thường mang mặc cảm tội lỗi khiến trẻ rơi vào tâm lý dằn vặt, xấu hổ và chán ghét bản thân. Lúc ấy, bố mẹ là những điểm tựa lớn nhất để trẻ vượt qua mặc cảm. Phụ huynh nên giúp trẻ giải phóng nỗi lo lắng. Quá trình này sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn và phụ huynh luôn phải sát cánh bên con. Bởi việc giải quyết tâm lý cho trẻ khi xảy ra sự việc là một trong những công việc cần giải quyết sớm nhất.
Nếu phát hiện con bị xâm hại tình dục, trước hết cha mẹ cần phải lấy lại bình tĩnh để xử lý sự việc. Tuyệt đối cha mẹ không nên chửi bới, tìm cách trả thù với đối tượng gây ra sự việc. Bởi như vậy sẽ làm mất trật tự, tốt nhất là giữ kín mọi chuyện với người ngoài. Mang các giấy tờ giám định thương tổn thể chất lẫn tinh thần của con đến cơ quan công an để tố cáo kẻ xâm hại bất kể mức độ nặng nhẹ, không nên vì sĩ diện mà che dấu sự việc. Tuyệt đối không chấp nhận nhận tiền bồi thường để mua lấy sự im lặng.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con, đưa con đi chơi những trò chơi con thích, đọc sách, kể chuyện vui để giúp con mau chóng quên đi ám ảnh và sợ hãi của vụ xâm hại, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đã qua.
Cha mẹ dặn dò con kỹ lưỡng về các nguyên tăc để phòng tránh việc bị người khác xâm hại, tránh trẻ bị rơi vào nỗi đau này thêm một lần nữa.