Suy nghĩ và hành động của bế gái khi thấy tờ 500k
Chăm sóc và nuôi dạy con cái là một hành trình thiêng liêng nhưng không kém phần khó khăn, vất vả. Mỗi đứa trẻ sở hữu một tính cách riêng và cách chăm sóc, nuôi dạy của bố mẹ sẽ định hình cá tính của các bé trong tương lai. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ, cùng một tình huống nhưng 2 cách xử lý của 2 bà mẹ khác nhau sẽ làm nên 2 cuộc đời trái ngược.
Bé gái 8 tuổi sang nhà hàng xóm chơi, nhìn thấy trên bàn có 2 tờ tiền 500k. Cô bé khá bối rối không biết có nên lấy nó hay không. Tuy nhiên, sau khi nghĩ đến việc có thể mua quần áo mới, sắm đồ chơi, mua đồ ăn ngon cho mẹ, bé đã giấu 1 triệu đồng vào trong người và mang về nhà. Cô bé ngây thơ nghĩ rằng sẽ chẳng ai biết điều gì cả.
Thế nhưng hành động này vô tình lọt vào camera và người hàng xóm sang nói chuyện trực tiếp với mẹ của cô bé. Người này trích xuất clip rất rõ ràng nên bé gái không thể nào giấu giếm hành động sai trái của mình. Cô bé bật khóc.
Cách xử lý của 2 bà mẹ tạo ra 2 cuộc đời khác biệt
Người mẹ thứ 1
Sau khi nghe câu chuyện, bà giận dữ, tức tối quát mắng bé gái rất kinh khủng. Bà nói con bằng những lời thô tục, khó nghe, trách mắng vì sao lại làm những điều nhơ bẩn. Vì mắng con rất to và nặng lời nên hàng xóm xung quanh đều nghe thấy, họ cảm thấy ái ngại và không can thiệp vì cho rằng mỗi nhà có một cách dạy bảo con riêng.
Vụ việc này sau đó ai cũng biết, chuyện bé gái ăn trộm tạo thành tiếng xấu với bản thân cô bé. Mặc cho bé van xin, khóc lóc lần sau con sẽ không như vậy nhưng mẹ cô bé không nghe, vẫn tiếp tục chửi mắng thậm tệ.
20 năm sau, bé gái trở thành một người nóng tính, bướng bỉnh, sống cùng với những lời xì xào, bàn tán của họ hàng, học chưa xong cấp 2 thì nghỉ hẳn. Ai gặp cũng nói rằng nó láo từ bé, bé tí mà dám đi ăn trộm, gan tày trời...
Người mẹ thứ 2
Sau khi nghe và chứng kiến hết câu chuyện, bà nhẹ nhàng nói với người hàng xóm ''Tôi xin lỗi về việc này và sẽ đưa lại toàn bộ số tiền đã mất'' sau đó quay sang con gái ''Con cần tiền có việc gì thì để mẹ đưa cho con nhé. Con lấy tiền của người khác như vậy là sai và nếu bị phát hiện thì sẽ mang tiếng xấu. Bây giờ con xin lỗi cô và hứa không tái phạm chuyện này nha''.
Lời nói nhẹ nhàng của người mẹ đã khiến bé gái cảm thấy đỡ sợ. Bé thỏ thẻ lời xin lỗi và đó là lần cuối bé trộm đồ của người khác. Và cũng không một ai nhắc đến chuyện cô bé ăn trộm cả.
20 năm trôi qua, hiện tại cô bé đã trở thành một bà mẹ. Cách dạy con năm xưa luôn được cô ghi nhớ và dạy lại cho con mình. Cô bé thầm cảm ơn mẹ vì đã không trách mắng, đã thấu hiểu và giúp bé có cơ hội sửa sai.
Mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, và mỗi bố mẹ cũng có những quan điểm nuôi dạy con không giống nhau. Dựa vào việc quan sát mà các bậc phụ huynh sẽ đưa ra những phương pháp dạy con sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, dù bé có phạm lỗi hay có chuyện nghiêm trọng xảy ra, điều đầu tiên bố mẹ nên làm đó chính là bình tĩnh, suy nghĩ tìm cách giải quyết phù hợp. Để 1 triệu đồng hay nhiều hơn thế nữa sẽ là một bài học để giúp con trưởng thành chứ không phải là cái cớ để chì chiết, mắng mỏ con cái.
"Đặc trị" hành vi trộm cắp của trẻ
Chia sẻ về cách giáo dục khi phát hiện con trộm tiền, phụ huynh Đoàn Bình Dương (Gia Lai) cho rằng, không có một phương pháp "thần kỳ" nào giúp "đặc trị" vấn đề này ngoài cách cha mẹ thấu hiểu và yêu thương.
Anh Dương kể lại câu chuyện xảy ra trong gia đình. Khi phát hiện trong ví thiếu mất 100.000 đồng, vị phụ huynh này đã giữ im lặng và không vội vàng quy kết ai là người lấy. Trong bữa cơm, anh Dương "thông báo" rằng anh bị mất tiền, và thăm dò ý kiến cậu con trai là có nên gọi… công an không. Nghe những lời này từ bố, cậu con trai của anh đã tỏ ra lo lắng và lẳng lặng trả lại tiền vào ví bố đêm hôm đó.
"Sau đó, tôi có hỏi con là tại sao con lại làm vậy. Con nói do con muốn chơi cờ cá ngựa, mà xin thì mẹ lại từ chối cho tiền mua, nên con đã lấy trộm tiền của bố. Bởi vậy mới nói, trẻ con không hoàn toàn có lỗi. Người lớn cũng nên lắng nghe để hiểu và yêu con nhiều hơn".
Cảm phục những ông bố, bà mẹ luôn kiên nhẫn và thấu hiểu con cái, phụ huynh Tuấn Anh xúc động chia sẻ về câu chuyện xưa cũ của mình.
"Ngày nhỏ, tôi hay lấy trộm tiền của mẹ để chơi điện tử. Sau vài lần, mẹ tôi đã phát hiện ra. Những tưởng sẽ bị mẹ cho "ăn" no đòn, ai ngờ, mẹ lại nhẹ nhàng khuyên răn và cho tôi thời gian để thay đổi. Bây giờ tôi đã làm bố, nghĩ lại mới thấy mẹ thật kiên nhẫn và yêu con".
Vị phụ huynh này cũng cho rằng, trẻ con ăn trộm tiền của cha mẹ không phải chuyện hiếm, và đều xảy ra dẫu thời nay hay xưa. Thay vì kết luận mọi việc theo hướng tiêu cực và trở nên suy sụp, phụ huynh hãy hiểu rằng đây là một hành vi hoàn toàn có thể thay đổi được.
"Chìa khóa nằm ở việc cha mẹ đối xử với con cái thế nào trước việc làm không đúng của chúng. Nếu bố mẹ kiên nhẫn và bao dung, con cái sẽ nhận ra lỗi lầm, chủ động sửa sai. Nếu nóng giận và mất niềm tin vào trẻ, những đứa trẻ sẽ như "chim non gãy cánh", rất dễ lầm đường, trở nên ngược ngạo, thậm chí gây ra những hậu quả khủng khiếp hơn" - anh Tuấn Anh chia sẻ.