Theo nhịp sinh học của con người, chúng ta sẽ làm việc vào ban ngày còn nghỉ ngơi vào ban đêm. Nếu làm trái với quy luật tự nhiên, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi, tiều tuỵ. Tuy nhiên, các phi công lại là trường hợp đặc biệt, họ thích làm việc về đêm hơn.
Vì sao đa phần các phi công thích lái máy bay đêm?
Công việc của phi công và tiếp viên hàng không không hề màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Họ bị bó buộc thời gian trong những chuyến bay triền miên và ít có thời gian dành cho gia đình hay cuộc sống riêng tư. Ngoài ra, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về áp suất, múi giờ. Tuy nhiên, thay vì mong muốn làm việc ban ngày sau đó về nhà nghỉ ngơi vào ban đêm như các công việc khác, nhiều phi công lại thích bay đêm hơn.
Nhiều người cho rằng các phi công sẽ khó quan sát hơn khi bay vào ban đêm bởi vì để nhìn rõ mọi vật, mắt của chúng ta cần ánh sáng hay những vật để phản chiếu ánh sáng. Tuy nhiên, với phi công lại khác, việc quan sát vào ban đêm “không thành vấn đề” với họ vì họ sẽ điều hướng nhờ các thiết bị hỗ trợ.
Hơn nữa, đối với phi công, việc điều hướng bay vào ban đêm dễ hơn so với ban ngày. Ban ngày, với mắt thường, họ khó có thể phát hiện ra các máy bay khác trong lớp mây trắng. Trong khi đó, vào ban đêm, đèn tín hiệu liên tục nhấp nháy lại có thể giúp phi công dễ dàng nhận ra máy bay ở các phía khác nhau. Ngoài ra, đèn đường và đèn chỉ dẫn ở các sân bay cũng rất dễ dàng được nhìn thấy từ xa, từ đó giúp phi công dễ dàng xác định phương hướng.
Ngoài ánh đèn ở bên dưới, các phi công còn có thể dễ nhận thấy nhiều hiện tượng thời tiết như mây bão và sấm chớp cho đến cực quang trên bầu trời trong khi bay, từ đó có thể đề phòng các tình huống có thể phát sinh. Thêm vào đó, việc bay vào ban đêm cũng là trải nghiệm tuyệt vời, nó đem lại cảm giác thư giãn hơn khi có thể được ngắm nhìn thành phố sáng đèn bên dưới.
Ngoài ra, các phi công thích bay đêm cũng bởi vì họ không còn bị những khó chịu bởi ánh nắng chói gắt của ban ngày chiếu thẳng vào cửa kính buồng lái, đặc biệt là thời điểm lúc chạng vạng tối. Bầu trời vào ban đêm cũng có thể giúp tinh thần họ thoải mái hơn.
Về phía các tiếp viên hàng không, ban đêm cũng là thời gian hành khách nghỉ ngơi, vì vậy công việc của họ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với ban ngày.
Phi công liệu có được ngủ trong những chuyến bay dài xuyên đêm?
Trong các chuyến bay dài, liệu phi công có được ngủ? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, có rất nhiều quy định nghiêm phi công phải tuân theo.
Việc ngủ nghỉ của phi công có thể được phân thành nghỉ ngơi có kiểm soát và ngủ trên giường.
Đối với việc nghỉ ngơi có kiểm soát, phi công sẽ được ngủ trong buồng lái; còn ngủ trên giường tức là họ được phép rời buồng lái đến khoang hành khách là ghế dành riêng cho phi công ở khoang hạng nhất hay thương gia hoặc đó là nơi ngủ "bí mật" chuyên dụng của phi hành đoàn. Đây là thông lệ và cũng là tiêu chuẩn trong toàn ngành hàng không vì việc ngủ nghỉ của phi công đã được chứng minh cải thiện an toàn bay.
Để đảm bảo an toàn, một trong hai phi công trên chuyến bay luôn phải thay nhau thức và xử lý các tình huống, máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, trong một số chuyến bay đường dài, có khoảng 3 đến 4 phi công để họ có thể phân chia cơ hội ngủ, nghỉ cho phù hợp.
Một rủi ro có thể xảy ra là phi công nhận nhiệm vụ phải thức lại có thể ngủ gật. Để tránh điều này, các thành viên trong phi hành đoàn khác phải thường xuyên giữ liên lạc với phi công. Ngoài ra, đối với một số loại máy bay, người ta chế tạo có nút cảnh báo nếu một vài bộ phận điều khiển không được chạm vào trong một khoảng thời gian đặt trước.