Bỗng dưng… bị sờ gáy
Ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho hay, Cục đã gửi công văn tới các cơ quan quản lý, bao gồm Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin – Truyền thông, A83 và A87 Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung đề nghị thanh tra xử lý đối với bộ phim Căn hộ số 69.
Ông Đỗ Duy Anh khẳng định: Luật Điện ảnh quy định rõ việc các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua cơ sở sản xuất phim có tư cách pháp nhân, tức là có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp.
Về việc phổ biến phim, ông Đỗ Duy Anh cho hay: Dù là phổ biến trên Internet thì Luật cũng quy định rõ phải có giấy phép phổ biến phim do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó, bất kỳ bộ phim nào trước khi phổ biến, phát hành đều phải qua Hội đồng thẩm định phim xét duyệt.
Nếu đối chiếu với những dẫn Luật của ông Đỗ Duy Anh, Căn hộ số 69 dường như đã phạm luật.
Phim do một ê-kip trẻ mà đứng đầu là Namcito sản xuất. (Namcito từng được biết đến với tư cách là biên kịch, giám đốc sáng tạo và quản lý sản xuất của bộ phim sitcom Tiệm bánh Hoàng tử bé phát sóng trên VTV9). Như vậy, phim không thông qua cơ sở sản xuất phim có tư cách pháp nhân.
Chọn Youtube làm kênh phổ biến, Căn hộ số 69 cũng không thông qua Hội đồng thẩm định nào xét duyệt để có giấy phép phổ biến.
Tuy nhiên, trong Luật Điện ảnh, những quy định về việc phổ biến phim trên internet rất sơ sài. Điều 36, Chương V của Luật chỉ ghi: “Việc phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Trong trường hợp của Căn hộ số 69, với kênh phổ biến là kênh nước ngoài, liệu phim có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hay không vẫn chưa có căn cứ rõ ràng.
Nhìn lại một số bộ phim dạng sitcom hay phim ngắn của Việt Nam được chia sẻ trên Youtube, rõ ràng có rất nhiều phim do các nhóm sản xuất không có tư cách pháp nhân thực hiện, và đương nhiên, không được xét duyệt lẫn cấp phép phổ biến.
Có thể kể ra một số cái tên như các clip hài (mỗi clip có nội dung tương đương với một phim ngắn) của nhóm DAMtv, nhóm BB&BG, nhóm Thích ăn Phở… Bên cạnh đó, các bộ phim ngắn tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành điện ảnh thuộc các trường đại học, cao đẳng cũng được chia sẻ trên Youtube mà không hề có giấy phép.
Chính vì thế, trên mạng xã hội có không ít phản ứng trái chiều với hành động của Cục Điện ảnh. Họ cho rằng, vì chữ “18+” nên Cục Điện ảnh mới bỗng dưng chú ý tới.
Cấm hay không cấm?
Một trong những lý do Căn hộ số 69 đạt gần 2 triệu lượt xem chỉ sau có 2 tuần phát sóng tập đầu tiên là nhờ nhãn “18+”. Với những đoạn hội thoại trực tiếp về vấn đề tình dục, giới tính, cùng nhiều cảnh quay gợi tả cảnh sinh hoạt tình dục kích thích thị giác người xem, Căn hộ số 69 nhận được nhiều nhận xét đồng tình lẫn phản đối.
Nhìn nhận về sự việc, đạo diễn Khải Hưng cho hay: “Tôi chưa xem phim này nên cũng không biết nó phản cảm hay không phản cảm. Nhưng giả dụ nó phản cảm thì cũng không cần thiết phải cấm. Đừng coi thường khán giả. Họ không khờ khạo cũng không dễ bị đầu độc. Phim mà nhảm thì sẽ tự bị đào thải mà không cần đến luật gỡ bỏ nào. Tôi thấy ở Việt Nam, cái gì càng cấm thì càng kích thích người ta tìm đến. Miễn là họ không vi phạm bản quyền thì cứ để cho họ làm.”
Cùng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: “Một khi phim đã phổ biến trên mạng thì có ngăn cấm kiểu gì cũng không thể ngăn cấm được. Thậm chí việc ngăn cấm còn giúp bộ phim trở nên nổi tiếng hơn. Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh điều này. Hơn nữa, với phim phổ biến trên mạng thì không còn thuộc quyền kiểm soát của Bộ VHTTDL nữa”.
Đạo diễn của Ma làng phân tích: “Với phim 18+, không nên vội vàng phán xét. Nó có thể rất nhạy cảm nhưng không có nghĩa phản cảm. Nên phân ra hai loại: phim 18+ khiêu dâm và phim 18+ có mục đích khoa học, phổ biến kiến thức giới tính, tình dục. Nếu là loại thứ 2 thì nên ủng hộ, thậm chí là tạo điều kiện cho nó phát triển. Mặc dù để làm được thì vô cùng khó.”
Trong khi đó, đạo diễn Lê Hoàng dửng dưng với vấn đề. Ông cho hay: “Một khi đã tung lên Youtube thì sẽ chẳng còn cảnh gì ghê gớm cả, dù có dán mác 18+. Thực tế là trên Youtube luôn đặt barie cho những cảnh nóng. Tài khoản nào tung những hình ảnh dung tục đều bị Youtube xử lý, nặng nhất là khóa user. Tôi không xem Căn hộ số 69 nhưng tôi cũng không tin là nó “nóng””.