Hit: Hoàng tử và Lọ Lem
Không quá khi nói Hit: Hoàng tử và Lọ Lem dẫn đầu danh sách những thảm họa điện ảnh 2013. Đến nỗi nhiều người phải đặt câu hỏi, phải chăng Ngô Quang Hải không biết làm phim? Và cái thời Chuyện của Pao đã là một câu chuyện hoàn toàn khác, thuộc về dĩ vãng.
Được xây dựng nhằm mục đích PR cho dòng nhạc underground kén người nghe, đồng thời cũng muốn gửi gắm ít nhiều thông điệp đến cho giới trẻ trong xã hội hiện đại, về hành trình nuôi đam mê và khát vọng.
Thế nhưng kịch bản vụng về, vô số lời thoại nhảm nhí, ngôn ngữ đường phố được đưa vào bộ phim với mật độ dày đặc đã khiến hiếm có khán giả nào đủ kiên nhẫn ngồi theo dõi hết các phân cảnh rời rạc như cơm nguội từ đầu đến cuối phim.
Ngô Quang Hải đã viện trợ đến một dàn hotgirl, hotboy đình đám ‘làm màu’ cho bộ phim, từ nhân vật chính như Midu, Andrea hay nhân vật phụ của phụ Ngọc Trinh xuất hiện một cách ‘tối nghĩa’, trút xiêm y đầy vô duyên vẫn không cứu vãn được Hit: Hoàng tử và Lọ Lem.
Góp phần làm nên thất bại thê thảm của bộ phim phải kể đến công cẩu thả của đạo diễn. Âm thanh ẩu, phần tiếng không khớp với khẩu hình, bối cảnh phim sơ sài và được tái sử dụng trong nhiều phân cảnh một cách lộ liễu.
Lời thoại nhạt nhẽo, triết lý ‘rởm đời’ và vô cùng hời hợt còn khiến khán giả không có cảm giác được tôn trọng khi bỏ tiền vào rạp.
Dù được quảng bá rầm rộ trước đó, nhưng đáng tiếc, thảm họa Hit: Hoàng tử và Lọ Lem chỉ giúp Ngô Quang Hải nhận vô số lời chỉ trích, và công cuộc ‘xử lý khủng hoảng truyền thông’ đầy ê chề.
Mùa hè lạnh
Không đến nỗi thê thảm như Hit: Hoàng tử và Lọ Lem, nhưng Ngô Quang Hải cũng làm dài danh sách ‘thảm họa’ của mình bằng Mùa hè lạnh ra mắt cuối năm 2012, đầu năm 2013.
Dù được giới thiệu về sự đầu tư kỹ lưỡng, chau chuốt hứa hẹn sẽ là một bộ phim đáng xem, nhưng một lần nữa, cái bóng quá lớn của Chuyện của Pao vẫn ‘đè bẹp’ Mùa hè lạnh vô duyên và nhạt nhẽo.
Lời thoại thiếu sự sáng tạo, kịch bản phi logic, thiếu kết cấu chặt chẽ cùng những màn khoe thân câu khách khá rẻ tiền đã giết chết Mùa hè lạnh.
Ngô Quang Hải lý giải, Mùa hè lạnh ‘lập kỷ lục’ về bộ phim điện ảnh từ khi bấm máy đến khi ra rạp chỉ mất 4 tháng, và ‘Tôi làm phim trong điều kiện thời gian, kinh khí không có, gặp vấn đề không hay trong kỹ thuật’.
Những sự ngụy biện vụng về của Ngô Quang Hải không cứu được Mùa hè lạnh thoát án ‘thảm họa’.
Biết chết liền
Bộ phim kinh dị ‘gây cười’ hài hước nhất năm 2013 thuộc về Biết chết liền của đạo diễn Lê Bảo Trung.
Được quảng bá rầm rộ trước khi ra mắt, từ kịch bản, hiệu ứng 3D đến sự tham gia của 'Nữ hoàng scandal' Angela Phương Trinh, nhưng khi ra rạp, Biết chết liền đã mang đến sự thất vọng hoàn toàn cho khán giả.
Một bộ phim kinh dị, dưới định dạng 3D mà khán giả cười ngặt nghẽo từ đầu đến cuối bởi sự phi lí trong kịch bản, sự vụng về trong diễn xuất và sự cẩu thả trong sáng tạo yếu tố ly kỳ.
Điều đọng lại trong khán giả sau khi xem xong Biết chết liền có lẽ chỉ nằm ở màn khoe thân táo bạo của Angela Phương Trinh, với những cảnh quay khai thác triệt để vẻ gợi cảm, quyến rũ của 'Bà mẹ nhí'.
Những cảnh yêu táo bạo, cảnh tắm trần những tưởng sẽ đủ sức níu khán giả lại cho đến cuối phim cũng thất bại bởi lối diễn xuất như đóng kịch của các diễn viên.
Hài nhảm chứ không còn là kinh dị, Biết chết liền lặng lẽ rời khỏi các phòng chiếu không lâu sau khi ra mắt.
Săn đàn ông
Săn đàn ông là bộ phim được đạo diễn Võ Quốc Thành rào trước đón sau rằng đó là một bài ca tình cảm nhẹ nhàng, vui tươi nhằm đem lại tiếng cười sảng khoái, ý nhị và tinh tế cho người xem.
Rằng với cách làm phim hài không câu khách bằng những màn thọc lét thô tục, êkíp làm phim đã cố gắng hết sức trong việc tạo tình huống và xây dựng nhân vật một cách gần gũi, hài hước, thân tình nhất.
Nhưng đáng tiếc, bộ phim gắn mác 16+ Săn đàn ông lại là bộ phim lặng lẽ xuất hiện, lặng lẽ mang về mác thảm họa.
Bởi xuyên suốt bộ phim là những tình huống phi lý, dở khóc dở cười, thiếu tính nghệ thuật và cực kỳ khiên cưỡng trong từng nút thắt mở.
Câu chuyện cũng là cái nhìn lệch lạc và méo mó về giới trẻ, khi những cô gái tuổi đời ngoài 20 thèm khát đàn ông đến nỗi phải đi tìm kiếm bằng những trò thiếu tự trọng và nhân cách.
Đặc biệt việc đưa những nhân vật thuộc giới tính thứ ba vào bộ phim với những cảnh quay gượng ép khiến bộ phim trở thành một chuỗi những phân đoạn nhảm nhí.