Sẽ bồi thường trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng được xác định có nguyên nhân do vắc-xin thì nhà nước sẽ bồi thường.

Thông tin trên được ông Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết.

Cũng theo ông Phu, dự thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đang được lấy ý kiến của giới chuyên môn cùng người dân và sẽ hoàn thành trong năm 2016.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Ngoài các quy định chung về hoạt động tiêm chủng, quản lý hoạt động tiêm chủng…, dự thảo dành hẳn một chương quy định về việc bồi thường khi sử dụng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Được biết, đây là lần đầu tiên việc bồi thường tai biến sau tiêm chủng vắc-xin được quy định cụ thể.

Những trường hợp được bồi thường gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật; tử vong.

Theo dự thảo này, khi xảy ra tai biến do tiêm chủng bắt buộc, sau khi có kết quả giám định của hội đồng tư vấn chuyên môn, nếu lỗi do vắc-xin thì nhà cung cấp vắc-xin phải bồi hoàn cho nhà nước, do tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng bồi hoàn. 

Việc kết luận có bảo đảm khách quan hay không thì hội đồng tư vấn chuyên môn phải chịu trách nhiệm.

Quy định nêu trên được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là rất nhân văn bởi vừa bảo đảm hỗ trợ, bồi thường phần nào cho những người, gia đình người bị thiệt hại (gặp tai biến) do tiêm chủng bắt buộc vừa nâng cao trách nhiệm của người làm công tác tiêm chủng.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại khó thực hiện bởi các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải xác định nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc-xin mới được bồi thường.

Theo giới chuyên môn, sau 30 năm thực hiện, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã đem lại những kết quả rất lớn trong phòng chống nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều ca tai biến, tử vong nhưng số trường hợp được bồi thường là rất hiếm.

Năm 2015, Hội đồng Đánh giá tai biến vắc-xin của Bộ Y tế đánh giá có 3.000 trẻ có phản ứng sau tiêm vắc-xin, 32 trường hợp phản ứng nặng (trong đó có 16 trường hợp tử vong). Trong số các ca tử vong có 31% là ngẫu nhiên, không rõ nguyên nhân và do cơ địa của trẻ.

Những tai biến có thể gặp khi tiêm chủng cho trẻ

 Sau khi tiêm chủng, nhiều trẻ có những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, nổi ban. Vacxin phòng bệnh cũng có thể gây một số tai biến nguy hiểm như co giật, hôn mê, viêm hạch...Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm gặp.

Các phản ứng tại chỗ sau khi tiêm phòng thường gặp gồm:

- Đau nơi tiêm: Cảm giác đau thường kéo dài từ một vài giờ đến hơn 1 ngày, thường làm cho trẻ quấy khóc.

- Nổi cục nơi tiêm: Cục này thường nhỏ bằng hạt đậu, có khi viêm tấy đỏ và có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới khỏi.

- Mẩn ngứa xung quanh vết tiêm, có thể kéo dài từ 3 ngày tới cả tuần. 10% số trẻ đi tiêm có phản ứng này.

Phản ứng toàn thânchủ yếu là sốt, xuất hiện ở 80% số trẻ được tiêm chủng. Trẻ thường sốt sau khi tiêm từ 1 giờ đến 1 ngày (tiêm phòng bệnh thương hàn, ho gà) hoặc 10-15 ngày (tiêm phòng bệnh sởi hoặc quai bị).

Đa số trường hợp sốt nhẹ (có khi sốt cao hơn 39 độ C) kèm theo vật vã, quấy khóc, bỏ ăn. Những trẻ lớn đã biết nói sõi có thể kêu nhức đầu. Hầu hết trẻ tự khỏi sốt sau 1-2 ngày. Chỉ những trường hợp sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt, nhưng phải theo đơn của bác sĩ nhi khoa. Sốt do tiêm phòng chưa gây tai biến nguy hiểm nào cho trẻ.

Một số trẻ được tiêm phòng có các phản ứng ngoài da, biểu hiện bằng các nốt ban, mề đay, mẩn ngứa toàn thân, nhất là ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm và tiền sử dị ứng.

Các phản ứng này có thể kéo dài 3-6 ngày. Hiện tượng phát ban cũng xảy ra ở 2-10% số trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc rubêôn (rubeola), có thể kèm theo sốt nhẹ, đôi khi ho.

Phản ứng ngoài da thường tự khỏi. Những trường hợp nổi mề đay quá nhiều, gây ngứa ngáy khó chịu có thể dùng một số thuốc kháng dị ứng như siro phenergan, siro promethazine...

Một số biến chứng nguy hiểm:

- Con giật: Các cơn co giật thường xuất hiện trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng ho gà, thường kèm theo sốt cao.

Các kết quả điều tra cho thấy, hiện tượng này chiếm khoảng 0,6% số trẻ tiêm phòng ho gà và chỉ xảy ra ở những trẻ có tiền sử động kinh. Tuy các cơn co giật ít gây nguy hiểm nhưng cũng nên cân nhắc trước khi tiêm phòng ho gà cho trẻ có tiền sử động kinh, vì một số trường hợp có thể bị bệnh não

- Rên la hoặc la hét dữ dội: Biểu hiện này có ở 3% số trẻ tiêm phòng, nhất là trẻ ở lứa tuổi 3-6 tháng, thường xuất hiện sau khi tiêm 6-10 giờ.

Đây chỉ là ảnh hưởng nhất thời của thuốc tới thần kinh của trẻ mà không gây biến chứng gì, phần lớn sẽ tự chấm dứt.

Tuy nhiên, nếu trẻ gào khóc, rên la kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kê đơn thuốc an thần.

- Nổi hạch ở nách: Thường gặp sau khi tiêm phòng lao 3-5 tuần, có 2 loại là viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ (chiếm 4% số trẻ tiêm phòng lao).

Loại hạch hóa mủ tương đối nguy hiểm vì gây sưng tấy, có mủ, dễ nhiễm trùng; nhiều trường hợp phải làm tiểu phẫu để nạo mủ. Trong một số ít trường hợp, chứng viêm hạch xảy ra sau khi tiêm phòng sởi hoặc rubêôn.

Khám phá nơi mệnh danh là
Khám phá nơi mệnh danh là "lạnh nhất thế giới"
(Khám phá) - (Phunutoday) - Các bạn có tin rằng có một nơi chỉ cần đổ một cốc nước xuống, nước chưa kịp chạm đất mà đã bị đóng băng không?
Không ai dám ký giấy bảo lãnh thuê luật sư riêng cho Minh Béo
Không ai dám ký giấy bảo lãnh thuê luật sư riêng cho Minh Béo
(Xã hội) - (Phunutoday) - Số tiền đặt cọc để thuê luật sư riêng cho Minh Béo lên đến 50.000 USD. Hiện chưa người quen nào bên Mỹ ký giấy bảo lãnh số tiền trên.

  

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn