Tại sao khởi tố sinh viên vụ chế pháo làm 4 người chết?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong vụ nổ phòng trọ dẫn tới cái chết thương tâm của 4 sinh viên do việc mua thuốc nổ về làm pháo chơi tết, theo một nguồn tin thì Cơ quan điều tra đang xem xét khởi tố đối với sinh viên Võ Nguyễn Hoàng Văn với tội danh Không tố giác tội phạm.

Như đã thông tin sinh viên Đoàn Trung Hiếu mua thuốc nổ về phòng trọ để chế tạo pháo về chơi tết, tuy nhiên do sơ suất trong khi chế tạo dẫn tới việc nổ thuốc tại phòng trọ làm 4 sinh viên tử vong. Sinh viên Võ Nguyễn Hoàng Văn ở trọ cùng sinh viên Đoàn Trung Hiếu dù biết rõ việc Đoàn Trung Hiếu mua pháo về sử dụng nhưng không tố giác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan tiến hành tố tụng đang xem xét khởi tố Văn do hành vi không tố giác tội phạm.

Dưới góc độ pháp lý, báo Phunutoday xin trích dẫn bài phân tích của ông Lê Văn Hồi, công ty TNHH tư vấn Win365:

Thứ nhất, cần xem xét Văn có tham gia vào việc làm pháo hay không? Nếu như Đoàn Trung Hiếu mua thuốc nổ về phòng trọ và Văn có tham gia vào việc làm pháo thì Văn không bị truy tố theo tội Không tố giác tội phạm mà bị truy tố theo Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào mức độ thiệt hại về con người, tài sản thì Văn có thể bị truy tố theo quy định tại Khoản 4 Điều 232 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là chung thân.

Do đó tôi sẽ không đi sâu vào việc phân tích trường hợp nêu trên, chúng tôi sẽ phân tích hành vi của Văn dưới góc độ tội Không tố giác tội phạm như một số báo đã thông tin.

Thứ hai, Văn biết rõ hành vi phạm tội nhưng không tố giác tội phạm. Theo quy định của Điều 314 Bộ luật Hình sự. Cụ thể người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Tiếp theo, tại Điều 313 Bộ luật Hình sự quy định khi không hứa hẹn trước mà cố tình che giấu hành vi phạm tội thuộc Điều 232, các khoản 2, 3 và 4 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ) thì phạm tội che giấu tội phạm.

Đối chiếu 2 điều khoản nêu trên và thực tiễn xảy ra vụ việc thì Văn sẽ bị truy tố khi Hiếu và những người đã tử vong thực hiện hành vi phạm tội thuộc khoản 2, 3, 4 Điều 232 Bộ luật Hình sự. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC thì thuộc khoản 2, 3, 4 sẽ lần lượt với khối lượng như sau:

a) Pháo nổ có số lượng từ 30 kg đến dưới 90 kg; thuốc pháo có số lượng từ 15 kg đến dưới 75 kg (khoản 2 Điều 232 BLHS);

b) Pháo nổ có số lượng từ 90 kg đến dưới 300 kg; thuốc pháo có số lượng từ 75 kg đến dưới 200 kg (khoản 3 Điều 232 BLHS);

c) Pháo nổ có số lượng từ 300 kg trở lên; thuốc pháo có số lượng từ 200 kg trở lên (khoản 4 Điều 232 BLHS).

Do Hiếu cùng những người khác đã tử vong nên việc xác định khối lượng thuốc pháo rất khó khăn. Theo thông tin đại chúng thì vẫn chưa xác định được địa điểm cũng như người bán pháo. Có một cách tính khác là căn cứ vào sức công phá để xác định khối lượng pháo làm căn cứ xem xét Hiếu và nạn nhân khác thuộc hành vi nào để làm căn cứ xác định hành vi không tố giác của Văn có bị coi là phạm tội hay không.

Ngoài ra, bên cạnh việc xác định khối lượng pháo là cơ sở xác định hành vi phạm tội của Hiếu và những nạn nhân tử vong thì còn có tình tiết gây 04 người chết thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật hình sự. Thông tư số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC không có hướng dẫn cụ thể về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng do đó ta có thể căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì khi gây hậu quả làm chết 3 người trở lên sẽ thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi chế tạo, tàng trữ thuốc pháo trong phòng trọ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của 04 người, những "người chết" thực hiện hành vi phạm tội thuộc Khoản 4 Điều 232 Bộ luật Hình sự đã dẫn tới việc không tố giác của Văn là hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự mà không cần xác định khối lượng pháo Đoàn Trung Hiếu đã mua.

Xem xét thêm vấn đề, ta cần quan tâm đến tình tiết nêu tại Khoản 3 Điều 314 Bộ luật Hình sự "Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt", hiện cả 4 nạn nhân đã tử vong, cơ sở đã miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt đối với Văn có thể dựa trên việc Văn đã có hành động can ngăn Hiếu và các bạn thực hiện việc chế tạo pháo hay không. Về vấn đề này tôi muốn chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra trước khi đưa ra quan điểm chính thức.

Như vậy, căn cứ vào nội dung vụ việc và quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi không tố giác tội phạm của Văn có thể bị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 314 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt từ 3 tháng đến 3 năm. Phụ thuộc vào lời khai của Văn, nghĩa vụ chứng minh của cơ quan cảnh sát điều tra sẽ là cơ sở xác định Văn có phải chấp hành hình phạt tù, chịu trách nhiệm hình sự hay không”.

Điều 22. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà , cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn