Tết Thanh minh: Cúng nước trên bàn thờ nên để loại nước nào mới may mắn?

( PHUNUTODAY ) - Ngày Tết Thanh minh là ngày mở đầu của tiết Thanh minh, đến sau Lập xuân 60 ngày. Năm 2024, Tết Thanh minh rơi vào thứ Năm ngày mùng 4/4 Dương lịch, nhằm ngày 26/2 Âm lịch.

Khi dâng lễ cúng với ban thờ tổ tiên và ban Thần linh thì nước là một cúng phẩm để dùng như thức ăn và để cầu xin may mắn.

Còn khi dâng nước lên ban thờ Phật thì nước là để soi chiếu tâm hồn tu dưỡng bản thân. Nước tinh khiết để soi mình.

Nước cúng trên bàn thờ

Nước cúng trên bàn thờ

Nên dùng nước gì, nước lọc, nước trà, nước ngọt, rượu?

Khi dâng cúng phật thì nước ở đây là để người cúng soi mình. Bởi thế dâng cúng Phật thì chọn nước lọc có thể nấu chín hoặc nước lã miễn là nước sạch và trong lành để phật tử soi vào đó thấy được sự thanh tịnh nhắc nhở bản thân. Do vậy dâng cúng Phật chỉ dùng nước lọc không dùng nước ngọt nước có màu như trà, cà phê, hoa quả... Đặc biệt nước cúng Phật không được dùng nước có cồn, có gas.

Trên ban thờ gia tiên: Nước ở ban gia tiên là nước để dành cho người khuất dùng, nên người xưa quan niệm "ma dùng nước lã" do đó nhiều nơi sẽ lấy nước lã chứ không phải dùng nước từ cây nóng lạnh rót ra, cũng không phải nước rót từ chai ra, cũng không phải nước đun sôi để nguội. Nhưng quan niệm nhiều nơi là trần sao âm vậy do đó sẽ tùy theo thờ ai mà dâng nước cho hợp. Thế nên ngoài việc sẽ có những chén nước lọc thì còn có thế thêm các loại nước khác như: nước sữa cho trẻ nhỏ, nước trà cho người khi còn sống thích trà, rượu cho người khi sống thích rượu, nước ngọt hoặc cà phê cho người khi sống thích cà phê rượu. Thậm chí trên ban thờ gia tiên có đủ các loại nước đó để cho gia tiên dùng và còn là để gia tiên "mời" hàng xóm họ hàng.

Với ban thờ thần tài: Nước trong thờ cúng thần tài mang ý nghĩa tụ thủy. Nên nước trên ban thần tài thường sẽ là nước lọc hoặc nước lã, miễn là sạch và dâng lên với sự chỉn chu thành kính, không phải là nước đã uống dở là được. Ở ban thần tài cũng thường có thêm rượu vì thần tài thích ăn thịt quay uống rượu, và cũng có khi có thêm bia, nước ngọt.

Lưu ý dù dùng nước gì thì cũng cần dâng cúng với lòng thành và chú ý nguồn nước, tuyệt đối không dùng nước không sạch để thờ cúng. Các loại nước rượu bia, nước ngọt không rõ nguồn gốc cũng không được cúng, không đặt các loại nước hết hạn lên cúng.

Chuẩn bị gì để cúng Tết Thanh minh?

Cúng Tết Thanh minh ở đâu và chuẩn bị lễ vật gì là băn khoăn của không ít người. Theo truyền thống, các gia đình thường làm lễ cúng Tết Thanh minh tại phần mộ tổ tiên và tại nhà, do đó cần chuẩn bị 2 lễ.

Lễ cúng Tết thanh minh

Lễ cúng Tết thanh minh

Lễ cúng Thanh minh ở mộ

Lễ cúng Tết Thanh minh ở phần mộ tổ tiên có thể là lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng điều kiện và truyền thống của mỗi gia đình. Các lễ vật gồm:

  • Hương, đèn
  • Chè, rượu, nước
  • Trầu cau
  • Tiền vàng
  • Hoa quả

Mâm cỗ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh, nước, gạo muối, bỏng, chén mật ong. Mâm cỗ mặn ngoài những thứ trên có thêm rượu thịt, xôi, gà luộc hoặc khoanh giò.

Nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, còn lễ vật đặt trên bàn có thể chung. Cần sắp lễ vật gọn gàng, đựng các lễ vật bằng đĩa, khi bày trên mặt đất cần lót chiếu hoặc khăn và để tại nơi bằng phẳng trước khi thực hiện nghi lễ cúng.

Khi cúng xong, cần đợi hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Bài cúng nếu được viết ra giấy thì đọc xong cũng đem hóa.

Theo tục lệ của người Việt, trong dịp Thanh minh, mọi người mang theo xẻng, cuốc ra nghĩa trang để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy bỏ cỏ dại và những cây bụi mọc trùm lên mộ, tránh tình trạng rắn, chuột đào hang, làm tổ hay thu hút trâu bò đến phá, quấy rối, xâm phạm tới linh hồn người đã khuất.

Với những khu mộ đã xây, người ta quét dọn sạch sẽ, sau đó người tảo mộ thắp hương, đặt lễ để cúng mộ. 

Không chỉ dâng mâm lễ cũng thắp hương cho phần mộ gia tộc mình, trong dịp Tết Thanh minh, người Việt còn giúp quét dọn, thắp hương cho những nấm mồ vô chủ hoặc ít người thăm viếng, thể hiện lòng thương cảm, chia sẻ... để người đã khuất được ấm lòng, đỡ cô đơn buồn tủi.

Lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà

Mâm cơm cúng Tết Thanh minh không cần quá cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy mà tùy vào điều kiện của mỗi gia đình hoặc phong tục tập quán của mỗi địa phương mà sắm sửa cho phù hợp, quan trọng là lòng thành của con cháu.

Mâm cỗ mặn cúng Tết Thanh minh  tại nhà thường có:

  • Xôi
  • Gà luộc
  • Canh măng
  • Miến
  • Món xào
  • Một số lễ vật khác như: hoa quả, hoa tươi, trầu cau, vàng mã…

Các gia đình Phật tử thường chuẩn bị mâm cúng chay. Trong điều kiện không cho phép thì các gia đình có thể không nấu cỗ cúng Tết Thanh minh mà chỉ cần thắp hương, hoa tươi, trái cây, bánh kẹo…. để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên.

Trước khi cúng Tết Thanh minh, cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ lộc.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link