"Tôi nhớ món mì ép ba nấu"
Nhạc sĩ Thuận Yến, người mắc bệnh Alzheimer, hen suyễn và mất trí nhớ đã nhiều năm vừa qua đời ở tuổi 83. Diva Thanh Lam – con gái lớn của cố nhạc sĩ tâm sự: “Cha bệnh đã lâu, tôi cũng hiểu về đạo Phật, việc cha ra đi cũng là lẽ thường của tạo hóa nhưng khi nghe tin tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng và buồn đau”.
Thời gian gần đây, người thân cũng như các fan hâm mộ thường thấy Thanh Lam hay đăng tải nhiều hình ảnh về gia đình mình, nhất là hình ảnh với ba. Chị cho biết: "Tôi có viết về ký ức cũ. Khi cha mẹ già đi, sự hoài niệm về gia đình của tôi trỗi dậy mạnh hơn”.
Ca sỹ Thanh Lam
Trước sự ra đi của người cha thân yêu, chị trải lòng với chúng tôi: “Tôi có một tuổi thơ tuyệt vời và bình dị…”
“Tôi vẫn nhớ hồi đó 4 tuổi, ba đi xe đạp, chở tôi ngồi trong chiếc ghế mây ở khu Chiều Khúc. Tôi nhớ rõ đó là con đường đất đi giữa ruộng lúa rất đẹp. Với tôi, cánh đồng lúa khi ấy như một bức tranh ngợp mát của ký ức. Rồi những buổi chiều xâm xẩm như chiều nay, cà cuống bay đầy nhà, ba và em trai đi bắt cà cuống, muồm muỗm về nướng ăn, nhặt rau dại ven đường về nấu canh. Hồi đó, nhà tôi ăn mì ép và cơm độn. Thương lắm!” – Thanh Lam chia sẻ.
“Tôi nhớ những buổi sáng ba dậy rang mì ép với đường cho con ăn sáng, đến tối lại nhào mì ép đó nấu chè cho con ăn. Ông còn nặn mỳ thành hình những con chó, con gà, con thỏ, bỏ vào nồi để khi nào sôi nó nổi lên là ăn được. Tôi nhớ ba cho ăn một cái bánh mỳ chấm sữa mà ngon giống như bây giờ mình được vào khách sạn Metropole ăn bánh pizza.
Từ những ký ức đó, tôi mới phát hiện giá trị của cuộc sống là sự cảm nhận, không phải là những thứ đong đếm được bằng vật chất”.
Đứng trước công chúng xin lỗi cho con gái
Thành công của Thanh Lam trên con đường nghệ thuật không thể thiếu đi sự đóng góp âm thầm và to lớn của cố nhạc sỹ Thuận Yến. "Với tôi, bố là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy nghiêm khắc nhất. Từ ông, tôi đã được học những nốt nhạc đầu tiên. Từ ông, tôi học được sự bền bỉ, kiên nhẫn và nghiêm túc với nghề".
Thanh Lam luôn là đứa con gái bé bỏng và dại khờ của cố nhạc sĩ Thuận Yến
Có những lần đi diễn về khuya, nước mắt Thanh Lam lặng lẽ rơi khi hồi tưởng lại cảnh ông đón cô khi đi biểu diễn về. "Khi ấy, ông chở tôi trên chiếc xe đạp cũ. Hai cha con lầm lũi đi trong đêm mưa, giữa đêm hôm khuya khoắt. Dù vất vả là thế, nhưng ông vẫn không một lời kêu than".
Trong những ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến, Thanh Lam chia sẻ chị thích nhất là ca khúc “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”, bởi theo chị, đây là ca khúc ông viết hay nhất, tình cảm nhất.
"Cha là hình tượng mẫu mực chăm chỉ và tôi học được ở ông rất nhiều. Đó là sự đam mê, khát vọng trong cuộc sống. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy một ai chăm chỉ và nghị lực như cha tôi", Người đàn bà hát thổ lộ.
Thanh Lam nói, dù đã trải qua đủ thăng trầm của đời người, đủ bản lĩnh để vượt qua những vấp váp trong cuộc sống riêng, những bão táp trong nghề nhưng với bố, cô luôn là cô con gái nông nổi và dại khờ. Trước đây, đã từng hơn một lần trước công chúng, ông đã ra xin lỗi cho con gái vì lỗi lầm cô mắc phải.
Ai yêu mình như ba thì mới là tình yêu thật sự
Ca sỹ Thanh Lam chia sẻ, mặc dù là con cả trong gia đình nhưng có lẽ, cô lại là người khiến ông lo lắng hơn cả. "Khi chia tay Quốc Trung, tôi sống trong một căn nhà thuê ở Hồ Tây, ông vẫn liên tục giục cậu con trai út lên thăm chị", Thanh Lam kể lại.
Ba dành cho tôi tình cảm rất tuyệt vời, tôi vẫn luôn thầm nhủ rằng trên đời này, ai mà yêu mình như ba thì đó mới là tình yêu thật sự. Tình yêu thật sự không có điều kiện, tôi thấy tình yêu của mọi người dành cho mình đều có điều kiện cho đi - nhận lại hết, vì phải công bằng tình yêu ấy mới phát triển. Nhưng tình yêu của ba dành cho tôi không cần sự công bằng đó.
Gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến
Điều ông lo nhất là tại sao tôi đi lấy chồng sớm như vậy, ông thương tôi lắm. Tôi chưa thấy ánh mắt nào buồn như ánh mắt ba lúc tôi đi lấy chồng và đẻ con. Ánh mắt thất thần đó, có lẽ ám ảnh suốt cuộc đời mình.
Ông không tưởng tượng nổi một đứa con gái mới lớn, còn trong trắng như vậy đã phải trải qua những thăng trầm của người mẹ sớm như vậy. Lúc 19 tuổi tôi đã làm mẹ. Có lẽ, lúc đó ông cũng bị vỡ mộng vì đã kỳ vọng rất nhiều vào con gái, mà người phụ nữ sinh con có thể đánh mất mọi thứ. Ba cũng lo lắng cho những thử thách của tôi trong cuộc sống, nhưng ông cũng biết tôi là người dám làm và dám đón nhận cái giá phải trả.
“Một hôm tôi dọn dẹp phòng làm việc của ba và thấy rơi ra một túi nhỏ trong đó có cái khăn màu trắng. Trong cái khăn đó có miếng giấy cháy đen, mở miếng giấy ra thấy ba viết: “Chiếc khăn này mình đã rút ra để bắc nồi bột cho con nên đã làm cháy, lúc con được 3 tháng tuổi”. Lúc nhìn thấy cái khăn đó, tôi 32 tuổi”. - Thanh Lam - |