Thiên tài tài toán học đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế
Theo Sohu, Liễu Trí Vũ, từng đoạt huy chương vàng toán học thế giới và giành học bổng tại đại học Massachusetts, từ bỏ tất cả để nương nhờ cửa Phật.
Liễu Trí Vũ sinh năm 1988 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc có bố mẹ là giáo viên dạy Vật lý, từ nhỏ đã được bố mẹ giáo dục rất nghiêm khắc. Dưới sự hướng dẫn của cha, thành tích toán học, vật lý và hóa học của Liễu rất nổi bật. Từ năm lớp 11, cậu trở thành nhân vật nổi tiếng khắp Trung Quốc.
Năm 2005, Liễu giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Năm 2006, cậu đã đánh bại thiên tài toán học người Đức Peter Schultz để giành thêm một huy chương vàng Olympic Toán quốc tế nữa. Ngay trong năm 2006, Liễu được đặc cách vào thẳng khoa Toán của Đại học Bắc Kinh – nơi dành cho những thiên tài toán học của Trung Quốc.
Khi vào đại học Bắc Kinh, vì luôn hoang mang với hướng đi của mình nên Liễu đặt hy vọng vào triết học và tôn giáo. Thời gian này anh còn tham gia câu lạc bộ Thiền, dù câu lạc bộ không ăn chay nhưng anh chủ động thực hiện khiến nhiều người ngạc nhiên. Sang năm thứ 2, Liễu cảm thấy bản thân được thấu hiểu hơn khi gặp một người chị khóa trên học tại khoa nghệ thuật. Thanh niên này luôn nói với đồng môn rằng, Toán học không giúp anh thực hiện được chân lý của cuộc sống.
Liễu Trí Vũ lúc cạo đầu đi tu
Sau khi tốt nghiệp đại học, Liễu nộp đơn xin học bổng tại học Massachusetts, Mỹ để thuận theo ý bố mẹ. Theo lẽ thường, bất kỳ ai nắm bắt được cơ hội đều ra nước ngoài học thêm, nhưng Liễu lại có một quyết định gây chấn động: Vào chùa Long Tuyền tại Bắc Kinh cạo đầu đi tu.
Chàng trai này không nói với ai về kế hoạch đi tu của mình. Lựa chọn đột ngột của con trai khiến cha Liễu kiệt sức, còn mẹ thì ngất lên ngất xuống. Người cha luôn hy vọng con sẽ nghĩ lại vì mới tốt nghiệp đại học lại chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống. "Cháu còn bồng bột. Tôi vẫn mong ngày con trở về", ông nói. Dù sau đó bố mẹ thường xuyên đến chùa tìm nhưng Liễu đều tránh mặt, chỉ để lại lời nhắn: "Không muốn trở lại chốn thế tục".
Thần đồng toán học này chuyển sang nghiên cứu về Phật giáo và trở thành một nhà sư ở chùa Long Tuyền (ngoại ô Bắc Kinh). Liễu từng chia sẻ từ bỏ Toán học vì cảm thấy "con đường dẫn đến sự cô đơn", lựa chọn Phật giáo vì muốn "đến gần hơn với trái tim của nhiều người".
Chùa Long Tuyền- nơi Liễu quyết định tu tập trở nên nổi tiếng bởi sự xuất hiện của "thiên tài toán học Trung Quốc". Thậm chí có những người phải đi cả ngày đường để đến tận chùa nhìn Liễu từ xa. Tăng đoàn sau đó phải chuyển thanh niên này đến một phòng khác, tránh xa sự tò mò của những người hiếu kỳ.
Từ bỏ tất cả để đi tu, nhưng sau 12 năm quyết định hoàn tục và kết hôn
Năm 2018, Liễu Trí Vũ quyết định rời chùa vì cảm thấy cuộc sống ở đây rất khác so với những gì mình tưởng tượng, mối quan hệ giữa các cá nhân còn phức tạp hơn ở trường. Hơn hết, sư phụ của Liễu Trí Vũ dính bê bối quấy rối tình dục, khiến anh sụp đổ niềm tin.
Liễu Trí Vũ rời chùa đi du lịch khắp nơi. Cuối năm 2022, anh tuyên bố hoàn tục. "Tôi bước vào đạo Phật vì muốn khám phá tâm mình. Sau khi đi tu tôi mới nhận thấy tâm mình gần gũi với đại chúng hơn. Tôi thực sự muốn giúp đỡ người khác thông qua con đường tâm lý học", Liễu nói.
Liễu Trí Vũ hoàn tục trở về cuộc sống đời thường
Liễu Trí Vũ mở một trung tâm trị liệu sức khỏe và tâm thần. Anh thường tổ chức livestream chia sẻ những chiêm nghiệm về cuộc sống thu hút người xem.
Thời điểm đó, thông tin thiên tài Toán học này hoàn tục thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn cuối tháng 12 vừa qua, nhà sư hoàn tục lại gây chú ý khi cho biết đã kết hôn.
Liễu và vợ quen biết từ khi anh còn đi tu, nhưng ngày đó họ chưa trò chuyện với nhau. Sau khi hoàn tục, hai người nói chuyện nhiều hơn, hiểu nhau hơn nên Liễu chủ động tỏ tình.
"Cô ấy là người duy nhất tôi từng hẹn hò. Cô ấy hiểu và hoàn toàn ủng hộ tôi. Tôi có thể chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn với cô ấy", Liễu nói.
Liễu Trí Vũ lúc đi tu và nay khi đã hoàn tục
Gần đây, Liễu Trí Vũ xuất bản cuốn sách "Every Step is Accountable" chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm mà anh có được khi còn là nhà sư nhằm giúp mọi người tìm kiếm sự giác ngộ trong cuộc sống hàng ngày.
Ở tuổi 35, anh hài lòng với cuộc sống. "Tôi sẽ cho điểm 8/10 để đánh giá cuộc sống của mình; trừ 2 điểm vì quá bận. Tôi là một người bình thường. Tôi khao khát được sống thật với chính mình và hy vọng mọi người sẽ chấp nhận phiên bản này của tôi", anh nói.