Nga không là mối đe dọa số 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 26/3 phủ nhận vị thế của Tổng thống Nga và chỉ coi Nga là thế lực trong một khu vực.
“Mỹ có rất nhiều thách thức trên thế giới. Nga chỉ là thế lực trong một khu vực và chỉ dám đe dọa những nước láng giềng của Nga, không phải để khoa trương sức mạnh mà chỉ nhằm che giấu điểm yếu của Nga”, ông Obama tuyên bố tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh Nga không phải là mối đe dọa số 1 đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: EPA |
Trả lời câu hỏi của ABC News rằng liệu ông có đồng ý với quan điểm của đối thủ chính trị cũ của ông là ông Mitt Romney rằng Nga là đối thủ hàng đầu về địa-chính trị của Mỹ hay không, Tổng thống Mỹ cho rằng: “Những hành động của Nga là một vấn đề cần lưu tâm. Tuy nhiên, Nga không gây ra mối lo ngại về an ninh quốc gia nhiều nhất cho Mỹ. Tôi sẽ lo lắng hơn đến tình hình an ninh của chúng ta trong trường hợp các loại vũ khí hạt nhân có thể phát nổ ngay tại Manhattan, New York”.
“Ukraine là một quốc gia mà Nga có tầm ảnh hưởng rất lớn trong vài thập kỷ qua-kể từ khi Liên bang Xôviết tan rã. Mỹ cũng có rất nhiều ảnh hưởng lên các nước láng giềng của mình. Tuy nhiên, chúng tôi không cần phải xâm lược những nước trên chỉ để có được một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn với họ. Việc Nga cảm thấy buộc phải sử dụng vũ lực và vi phạm luật pháp quốc tế chỉ cho thấy họ đang mất dần tầm ảnh hưởng của mình”, ông Obama mói thêm.
Với việc có khoảng 30.000 quân Nga đang đồn trú tại khu vực biên gới với Ukraine, ông Obama cho rằng Mỹ đang “lo ngại về việc Nga tiếp tục xâm lấn Ukaine”.
“Chúng tôi phản đối những nỗ lực hăm dọa của Nga, nhưng Nga có quyền hợp pháp để đưa quân đến những vùng đất của họ. Tôi không tin rằng vụ việc Ukraine đã xong xuôi và tôi tin rằng Nga vẫn đang có những tính toán riêng của mình”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Ông Obama khẳng định việc sử dụng vũ lực có thể là “một lựa chọn tồi” của Tổng thống Nga Valdimir Putin và sẽ phải hứng chịu những hậu quả từ cộng đồng quốc tế, bao gồm các lệnh trừng phạt lên các khu vực kinh tế quan trọng của Nga.
“Không chỉ có tôi mà cả Hội đồng châu Âu cũng cho rằng nếu Nga vẫn tiếp tục hành động của mình thì những lệnh trừng phạt mà tôi vừa nêu ở trên là hoàn toàn phù hợp và có thể có thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga ở những lĩnh vực tiềm năng như tài chính và buôn bán vũ khí giữa Mỹ, châu Âu và Nga”, ông Obama giải thích.
Tổng thống Mỹ nhắc lại rằng vụ Crimea vẫn chưa phải đã xong xuôi bởi Mỹ và các đồng minh không công nhận việc sáp nhập bán đảo này vào Nga. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc sáp nhập Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ rất khó đảo ngược.
Nga không cần “bấu víu” vào G8
Mặc dù Mỹ liên tục có những hành động trừng phạt cứng rắn, thậm chí lôi kéo các nước khác tham gia vào kế hoạch "cô lập" Nga. Tuy nhiên, Nga lại có thái độ không mấy tha thiết với việc này.
Trong cuộc trao đổi với báo giới về quan điểm của Moskva trong một loạt vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ngày 24/3, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thẳng thắn tuyên bố Nga không cần “bấu víu” vào G8 nếu phương Tây không muốn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ngày 24/3 |
Phát biểu liên quan đến việc Mỹ và một số nước phương Tây có ý tưởng tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại Sochi, Nga vào mùa hè này và một số chính trị gia còn đòi khai trừ Nga khỏi G8 để phản đối việc thống nhất Crimea vào Nga – vốn được thực hiện thể theo ý nguyện của đại đa số người dân bán đảo qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3.
Ngoại trưởng Nga khẳng định: “G8 là một câu lạc bộ không chính thức. Không ai cấp thẻ hội viên và theo quy định, không ai có thể đuổi ai”.
Theo ông Lavrov, nhiều người cho rằng, có lẽ G8 đã hoàn thành sứ mệnh khi mà nhiều vấn đề quốc tế đang được thảo luận ở các diễn đàn mở rộng khác như G20. Trong khi đó, G8 chỉ tiếp tục tồn tại như một diễn đàn trao đổi ý kiến giữa các nước phương Tây hàng đầu và Nga.
“Nói cho cùng, còn có các cơ chế khác phục vụ công việc này như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, “bộ tứ” về Trung Đông, nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân Iran. Vì vậy, nếu các đối tác của chúng tôi cho rằng G8 đã mất tính thực tế thì cứ coi là như vậy”, hãng thông tấn RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Ông Lavrov cũng cho biết thêm rằng, Nga không bị ràng buộc với G8 và không cảm thấy buồn nếu nhóm này không thể tụ hội.
"Có lẽ, trong một hoặc hai năm, chúng ta sẽ thử xem liệu có thể sống mà không có nó không", ông Lavrov nói.
Bình luận về thông tin liên quan đến việc Úc cân nhắc không mời Tổng thống Vladimir Putin dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới tại Brisbane (Úc), Ngoại trưởng Nga cho biết, “G20 không được thiết lập bởi một mình Úc mà nước này lên tiếng đề nghị không mời Nga. Hội nghị này do tất cả các nước thành viên cùng sáng lập”.
Trái ngược hẳn với các nhà lãnh đạo G7 (Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ), các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Nga và Tổng thống Putin.
Các Bộ trưởng của BRICS đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân và cùng đưa ra một tuyên bố chung, trong đó bày tỏ lo ngại về tuyên bố của Ngoại trưởng Úc về việc Tổng thống Nga Putin nên bị ngăn cản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.
"Các bộ trưởng ghi nhận những mối quan ngại trên các phương tiện truyền thông gần đây về Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Brisbane trong tháng 11 sắp tới. Quyền giám sát của G20 thuộc về tất cả các quốc gia thành viên và công bằng như nhau. Không một thành viên nào có quyền đơn phương xác định tính chất và đặc điểm của nó”, tuyên bố của nhóm BRICS nêu rõ.
Được biết, Ngoại trưởng Nga đã cảm ơn các nước BRICS đã thể hiện sự thông cảm về tình hình Crimea và giải thích việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh. Theo ông, điều này đã được thoả thuận trước và không liên quan đến quan hệ xấu đi giữa Nga và phương Tây.
Tình hình Ukraine đã trở thành một trong những chủ đề bàn thảo tại ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tổ chức ở The Hague, Hà Lan, với sự tham gia của lãnh đạo 50 quốc gia và người đứng đầu các tổ chức quốc tế, trong các cuộc gặp song phương và đa phương, cũng như bên lề hoạt động.
Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Nga cũng đã gặp người đồng cấp Mỹ John Kerry và một lần nữa thảo luận các câu hỏi Ukraine - vốn đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc thời gian qua.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, cả Moskva và Washington đều hiểu rằng Ukraine cần cải cách hiến pháp, trong đó có xem xét đến lợi ích của tất cả các vùng, miền để khôi phục hòa bình.
Tuy nhiên, ông Lavrov thừa nhận, đó là đánh giá của họ về tình hình và họ "không thể áp đặt" ý tưởng này với các nhà lãnh đạo Ukraine. Tuy nhiên, theo ông, Ukraine sẽ rất khó khăn để vượt qua “khủng hoảng nội bộ sâu sắc" này mà không có một cuộc cải cách như vậy.