Trận chiến ngầm ở Sochi và những ẩn ý của Putin

07:00, Chủ nhật 09/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nga chọn một nhà báo ủng hộ tổng thống Syria cầm cờ Olympic và chọn một vận động trượt băng nghệ thuật kỳ cựu từng "gây sự" với tổng thống Mỹ châm đuốc, gây nên nhiều tranh cãi trong đêm khai mạc thế vận hội mùa đông 2014.

Hàng loạt ẩn ý bất ngờ

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khai mạc Thế vận hội mùa đông 2014, 8 nhân vật nổi tiếng đại diện cho Moscow đã mang theo lá cờ Olympic tiến vào sân vận động thành phố Sochi.

Trong 8 người này có nữ ca sĩ Anna Netrebko, phi hành gia Valentina Tereshkova – người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian... Nhưng gây chú ý hơn cả là nữ nhà báo Anastasia Popova. Bà Popova nổi tiếng với các bài viết ủng hộ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngay từ khi cuộc nội chiến của nước này nổ ra đầu năm 2011.

Mô tả ảnh.
Bà Anastasia Popova (đứng áp chót hàng nữ) trong đoàn rước cờ Olympic

Gần đây hơn, bà Popova quả quyết quân nổi dậy Syria đã tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học chứ không phải quân chính phủ. Bà nói đã có mặt gần một địa điểm xảy ra vụ tấn công hồi tháng 4/2013 và còn giao cho Liên Hiệp Quốc một đoạn video bằng chứng nhưng tổ chức này cho hay đoạn video không giúp ích được gì cho điều tra.

Tuy nhiên, đỉnh điểm gây tranh cãi là sự xuất hiện của bà Irina Rodnina, 64 tuổi – một huấn luyện viên trượt băng nghệ thuật kiêm nghị sĩ thuộc đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Putin. Từng giành huy chương vàng tại ba kỳ Olympic liên tiếp, bà được trao vinh dự thắp sáng ngọn đuốc Olympic cùng huyền thoại khúc côn cầu Vladislav Tretiak.

Mô tả ảnh.
Bà Irina Rodnina thắp đuốc Olympic cùng huyền thoại khúc côn cầu Vladislav Tretyak.

Bà Rodnina đăng tải trên Twitter hình ảnh vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với một trái chuối với ngụ ý phân biệt chủng tộc vào tháng 9 năm ngoái. Hành động trên đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul nhưng bà Rodnina kiên quyết không nhận lỗi và cho rằng điều đó hoàn toàn bình thường.

Tại Nga, các cầu thủ bóng đá da màu thường bị xúc phạm bằng hình ảnh chuối. Năm 2011, ngôi sao người Brazil Roberto Carlos - khi đó chơi cho đội bóng Anzhi Makhachkala - đã giận dữ rời sân sau khi bị ném chuối từ khán đài.

Với việc chọn bà Rodnina châm đuốc, báo USA Today chất vấn phải chăng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn trả đũa việc ông Obama gửi 3 vận động viên đồng tính trong đoàn đến Sochi cũng như việc việc vợ chồng tổng thống Mỹ đều vắng mặt?

Mô tả ảnh.
Tấm ảnh tải trên Twitter của bà Rodnina bị cho là phân biệt chủng tộc.

Ngoài hai khuôn mặt nổi cộm trên, 2 thành viên nữ của nhóm nhạc pop nổi tiếng của Nga TATu thường xuyên hôn nhau lúc biểu diễn trên sân khấu khiến sân vận động Sochi lại thêm dậy sóng vì Nga vốn không mặn mà với người đồng tính.

Bên cạnh đó, vào đầu buổi lễ khai mạc, một trong những vòng tròn biểu tượng của Olympic không xuất hiện trên màn hình hiển thị đã gây bối rối cho ban tổ chức.

Chính vì vậy mà rất nhiều người đã tỏ ra bất ngờ với những ẩn ý tại buổi lễ khai mạc.

Trận chiến ngầm ở Sochi

Bên cạnh đó, các nhà quan sát còn nhận định rằng ở Sochi không chỉ có sự tranh tài giữa các vận động viên mà còn đầy rẫy các giao dịch chính trị. Theo hãng tin Nga Itar-Tass, bên cạnh hơn 3.000 vận động viên đến từ 88 nước, Sochi còn chào đón trên 60 nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic sau đó.

Trong số các vị khách nước ngoài mà tổng thống Nga gặp gỡ, trước hết có tổng thống nước Ukraine láng giềng Viktor Yanukovych. Tuy nhiên, sự có mặt quan trọng bậc nhất phải kể đến một lãnh đạo của nhóm G8 - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Vài giờ trước khi sang Nga, ông Abe phát biểu tại cuộc tuần hành thường niên đòi Nga trả lại vùng lãnh thổ phương Bắc (Moscow gọi là quần đảo Nam Kuril) với sắc thái hòa giải rõ rệt.

“Song song với việc phát triển quan hệ Nhật - Nga một cách toàn diện, chúng ta phải giải quyết dứt điểm tồn đọng lớn nhất là vấn đề các vùng lãnh thổ phương Bắc và ký hiệp ước hòa bình với Nga sau khi chiến tranh đã qua đi 68 năm” - ông nhấn mạnh. Điều này phù hợp với mong muốn củng cố vị trí ở Đông Á của Nga hiện nay, vừa để gia tăng quyền lực mềm vừa mở mang thị trường năng lượng, theo GS Nobuo Shimotomai của Trường ĐH Hosei (Nhật Bản).

Mô tả ảnh.
Từ trái qua: Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ khai mạc Olympic Sochi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không để lỡ “đấu trường Sochi”. Trước khi bay sang Nga, ông hết lời khen ngợi Olympic Sochi “sẽ trở thành một sự kiện thể thao tuyệt vời và khó quên nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của Nga”. Hãng tin Tân Hoa Xã còn đưa tin Tổng thống Putin đã đồng ý cùng Trung Quốc kỷ niệm dịp 70 năm chiến thắng Nhật Bản sắp tới với mục đích “giáo dục thế hệ tương lai về những tội ác mà quân phiệt Nhật gây ra”.

Trong khi các đối thủ châu Á so găng thì Olypmpic Sochi dường như không thể bắc cầu giữa Nga và phương Tây. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Đức Joachim Gauck đều vắng mặt. Có thể nói bất đồng lớn nhất là do sự kỳ thị người đồng tính của Nga. Mỹ đã “gửi đi một thông điệp lớn” khi có 2 vận động viên đồng tính trong đoàn, còn Na Uy khiêu khích không kém với quyết định cử Bộ trưởng Y tế đồng tính Bent Hoeie đến Paralympic.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông