Trẻ nhỏ trở thành F0 đang ngày một gia tăng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù, trẻ F0 thường ít triệu chứng và nhanh hồi phục hơn so với người lớn. Tuy nhiên, do trẻ chưa được tiêm phòng và đề kháng còn non nớt nên vẫn không được chủ quan.
Khi con trở thành F0, bên cạnh các loại thuốc, vật dụng cơ bản mà F0 cần phải có theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý tới chế độ dinh dưỡng, ăn uống của con.
Việc ăn uống đúng khoa học, những đồ tốt có thể giúp con nhanh khỏe, có sức để chiến thắng dịch bệnh. Tuy nhiên, trẻ con thường không có ý thức tự giác như người lớn. Trẻ sẽ không thể biết món nào có lợi, món nào có hại, thường sẽ đòi ăn uống theo sở thích.
Mặc dù vậy, dù chiều con đến mấy, cha mẹ cũng không được cho con uống 2 loại nước này kẻo gây hại thêm.
Nước ngọt
Nước ngọt đóng chai, nước hoa quả... đều là những thứ trẻ con cực kỳ thích. Tuy nhiên, cha mẹ không nên cho trẻ uống loại nước này khi trẻ là F0.
Bởi lẽ, loại nước này chứa nhiều đường, có thể khiến tình trạng của bé nặng thêm, hại cho đề kháng của trẻ. Chưa kể, uống nước ngọt khiến bé giảm cảm giác thèm ăn, khiến bé ăn được ít hơn. Nước ngọt còn có thể khiến bé bị đầy hơi, khó tiêu, hại cho tiêu hóa. Các chất phẩm màu, hương liệu, phụ gia trong nước ngọt cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật.
Nước có ga
Bác sĩ Vũ Thanh - Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nước ngọt có ga không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em. Lượng đường mía, đường ngô, caffeine trong nước ngọt có ga đều không rõ hàm lượng, cùng với các chất tạo màu, tạo chua, tạo ga được thêm vào chính là tác nhân gây nên ảnh hưởng bất lợi của loại đồ uống này đối với cơ thể, gây nên các căn bệnh về thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột, đe dọa sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, dễ gây béo phì.
Khi bố mẹ cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dễ làm trẻ bị thiếu canxi, khiến cơ thể không có đủ canxi để tăng chiều cao.
Đặc biệt, khi trẻ là F0, càng phải tránh xa loại nước này vì có thể khiến quá trình phục hồi của trẻ ngày càng chậm hơn.
Khi chăm sóc, điều trị tại nhà cho trẻ mắc Covid-19 cần lưu ý
Những việc nên làm:
- Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước.
- Theo dõi sát sao nhiệt độ, đo chỉ số SpO2 ít nhất 2 lần/ngày
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt. Có thể dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng.
- Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít và trẻ không khó chịu chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch là đủ.
- Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Nếu bất kỳ khi nào trẻ có các biểu hiện sau thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện:
Thở nhanh
Khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực
Li bì
Lờ đờ
Bỏ bú/ăn uống
Tím tái môi, đầu ngón tay, chân
SpO2 < 95%
Những việc không nên làm:
- Đừng nên tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho.
- Đừng nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin. Sức đề kháng của trẻ không thể tăng lên ngay lập tức chỉ với 1 vài loại vitamin.
- Đừng cho trẻ xông lá lẩu, tinh dầu... vì không có tác dụng điều trị bệnh đồng thời có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và có nguy cơ khiến trẻ bị bỏng.
- Tuyệt đối không tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt virus... Tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và cũng đừng chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Điều này vô tình làm hại nhiều trẻ khác.