Nhiều cha mẹ bận rộn với công việc xã hội, về nhà lại bận giải quyết các vấn đề lớn nhỏ khác trong gia đình. Để giảm bớt gánh nặng và thêm thời gian nghỉ ngơi, đôi khi cha mẹ lựa chọn để con ngủ chung với ông bà.
Việc này có thể giúp cha mẹ thoải mái hơn nhưng cũng làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể trở nên gắn bó hơn thông qua khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi đi ngủ. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, việc được cha mẹ ôm trong vòng tay sẽ mang lại cảm giác an toàn, giúp cảm nhận được sự yêu thương.
Việc để con ngủ với ông bà hay cha mẹ còn tạo ra những sự khác biệt khác.
Có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ của cả ông bà và trẻ nhỏ
Người cao tuổi thường khó ngủ, ngủ ít hơn so với người trẻ. Chưa kể, một số người cao tuổi hay phải đi tiểu đêm, khi tỉnh giấc rất khó ngủ lại. Trong lúc ngủ, người lớn còn rất dễ ngủ ngáy. Các đặc điểm này đều có tác động đến giấc ngủ của trẻ.
Trong giai đoạn phát triển, trẻ cần được ngủ ngon và sâu giấc trong môi trường yên tĩnh để có thể phát triển thể chất, trí tuệ. Vì vậy, sự khác biệt về thói quen và đặc điểm giấc ngủ với người già có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Ngược lại, trẻ ngủ thường xuyên xoay người, đạp chăn khiến ông bà luôn phải thức giấc để kiểm tra cháu có bị lạnh hay không. Việc này cũng làm chất lượng giấc ngủ của người già càng ngày càng kém, gây suy nhược sức khỏe, thần kinh.
Trẻ thường xuyên ngủ với ông bà, quan hệ cha mẹ - con cái bị xa cách
Một đứa trẻ ngủ với cha mẹ ngay từ nhỏ tất nhiên sẽ nảy sinh cảm giác gần gũi và an tâm hơn. Trong khi đó, nếu trẻ ngủ với ông bà, phần lớn tình cảm của chúng sẽ chuyển sang họ.
Trong giai đoạn 1-3 tuổi, cha mẹ nên cố gắng dành thời gian chăm sóc con hết sức có thể để tạo ra tình cảm gắn kết chặt chẽ với con cái.
Sự đồng hành của ông bà với cháu trước khi ngủ tương đối đơn điệu
Trước khi ngủ là thời điểm lý tưởng để cha mẹ và con cái kết nối với nhau. Cha mẹ có thể tâm sự, lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Ngoài ra, đọc sách cho con nghe cũng là cách tốt để giúp trẻ phát triển tốt. Trong khi đó, đa số người lớn tuổi sẽ không đủ sức lực và kiên nhẫn để thực hiện các hoạt động này với trẻ. Vì vậy, ông bà thường chỉ tập trung vào việc dỗ cho cháu ngủ càng nhanh càng tốt.
Sự khác biệt trong cách nuôi dạy con của ông bà và cha mẹ
Cha mẹ lại muốn rèn luyện cho con những thói quen tốt cho sức khỏe, tốt cho sự phát triển trong tương lai. Trong khi đó, thế hệ lớn tuổi sẽ có những thói quen cũ, có thể không còn phù hợp để dỗ trẻ ngủ như liên tục rung lắc trẻ, bắt trẻ thức dậy giữa đem để đi tè, dùng những câu chuyện đáng sợ để dọa trẻ đi ngủ... Một số người khác lại chiều cháu quá mức, để cháu ăn vặt ngay trước giờ ngủ, không nhắc cháu đánh răng... Đây đều là những việc có thể ảnh đến sức khỏe của trẻ.