Gạo là lương thực quan trọng, không thể thiếu trong gia đình. Thông thường, mọi người sẽ mua một lượng gạo vừa đủ dùng trong một đến vài tháng và tích trữ để dùng dần. Tuy nhiên, gạo là loại thực phẩm rất dễ bị ẩm mốc.
Gạo mốc vừa giảm hương vị, không còn giá trị dinh dưỡng như ban đầu vừa tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Gạo mốc sản sinh ra các độc tố nguy hiểm trong đó có aflatoxin. Đây là chất độc có thể kích thích sự phát triển của các tế bào K. Nấm mốc làm gạo bị thay đổi màu sắc, có mùi hôi. Ăn gạo mốc có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc với các biểu hiện như đau bụng, ói mửa, sưng phỏi, co giật, hôn mê, phù não.
Chất aflatoxin này không bị phân hủy ngay cả khi đã được đun nấu.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, bạn cần phải chú thật kỹ đến khâu bảo quản gạo. Để gạo luôn khô ráo, không bị nấm mốc, bạn hãy áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây.
Sử dụng rong biển khô
Rong biển khô có thể giúp gạo không bị mốc. Nó có đặc tính hút ẩm tốt, giữ cho gạo luôn khô ráo, ngăn cản sự phát triển của nấm mốc.
bạn chỉ cần cho một nắm nhỏ rong biển khô vào trong thùng gạo. Sau một thời gian nhất định, bạn hãy lấy rong biển ra và đem phơi khô. Khi đã khô, hãy bỏ rong biển trở lại thùng gạo để giữ cho gạo được khô ráo.
Sử dụng rượu trắng
Rượu trắng sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của mối mọt vào gạo và cũng ngăn ngừa nấm mốc phát triển.
Bạn hãy đặt một chai rượu nhỏ vào trong thùng gạo theo chiều thẳng đứng. Sau đó, mở nắp chai rượu. Cồn bay hơi từ rượu sẽ đuổi con trùng, ngăn vi khuẩn phát tiển.
Sử dụng tỏi và hạt tiêu
Tỏi và hạt tiêu có thể giúp đuổi mối mọt, ngăn chặn nấm mốc phát triển. Bạn có thể đặt vài củ tỏi khô hoặc một túi nhỏ hạt tiêu (đựng trong túi vải) vào thùng gạo để giữ cho gạo không bị hỏng.
Một số lưu ý khác khi bảo quản gạo
Bạn nên đặt thùng gạo ở nơi khô ráo, thoáng mát, để tránh gạo bị ẩm mốc. Không nên đặt gạo gần nguồn nhiệt hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời vì như vậy gạo sẽ dễ bị giảm chất lượng. Mỗi lần lấy gạo xong phải đậy nắp thùng gạo thật kín để tránh hơi ẩm và các loại côn trùng, chuột, gián xâm nhập vào bên trong.