Trực tiếp: Tiền mang chia Dương Chí Dũng đựng bằng bao tải

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bị cáo Sơn có nói "đưa cho bác Dũng "tổng" tiền lẻ thế này thì anh vác bao tải đi à?"

11h30: Tòa quyết định dừng buổi làm việc sáng, 14h chiều, phiên xử tiếp tục.

11h25: Luật sư Được chuyển sang hỏi Trần Hải Sơn. Ông Được trích một bút lục lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra là bị cáo đã 3 lần mang 3 va ly tiền đến nhà Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long, đến gặp một người phụ nữ ra mở cửa, không ai rót nước, Sơn không uống nước, chỉ đến để va ly tiền lại rồi về. Một bản khai khác của Sơn là đưa 10 tỷ cho Phúc làm 3 lần, trong vòng khoảng 5 tuần. Cuối cùng, sự việc thể hiện đến giờ lại là 2 lần đưa đến nhà Phúc, lần sau cùng lại mang về An Dương, Hải Phòng và cách lần đầu đến… 7-8 tháng.

11h20: Luật sư Hoàng Huy Được hỏi bị cáo Mai Văn Phúc, kế toán trưởng Loan khai không ký nháy ký tắt vào hồ sơ thanh toán ụ nổi 83M vì phát hiện thấy thiếu chứng từ? Phúc chỉnh lại, Loan giải thích là việc thanh toán LC không cần chữ ký của kế toán trưởng, hợp đồng cũng không có ô cho kế toán trưởng ký mà việc để cho Trần Hữu Chiều là Phó Tổng GĐ phụ trách việc này ký thì đúng hơn. Vì vậy Phúc đã đồng ý chứ không có chuyện Loan báo cáo là hồ sơ thiếu gì.

Phúc cũng diễn giải thêm, bản thân trước đó không có kiến thức gì về ụ, cũng không biết việc trước đó thông tin về ụ 83M đã được gửi đến Phó Tổng GĐ Chung.

“Sự thật việc xảy ra tại TCty Hàng hải làm thất thoát lớn tiền bạc của nhà nước, người dân, bị cáo cũng phải suy nghĩ, dằn vặt rất nhiều” – Phúc nói về nhận thức trách nhiệm của mình.

11h05: Luật sư Trần Đại Thắng hỏi Trần Hải Hà, em gái Sơn về việc, khi Sơn đưa tiền cho Dương Chí Dũng, chị Hà cho biết không? 

Chị Hà trả lời: "Các lần chuẩn bị tiền, Sơn đều không nói lý do. Duy có lần chuẩn bị tiền (lần đưa tiền ở khách sạn Victory), do quá nhiều tiền lẻ, nên Sơn có nói "đưa cho bác Dũng "tổng" tiền lẻ thế này thì anh vác bao tải đi à?"

Luật sư Trần Đại Thắng “xoay” Sơn: “Bị cáo làm hợp đồng hợp tác kinh doanh, rồi làm thủ tục nhận xong chuyển trả lại 1,666 triệu USD, nghĩa là trả lại hết ông Goh bằng ấy tiền à?”. Sơn đáp, ngay bản thân hợp đồng hợp tác đã là khống rồi, thì giấy tờ để chuyển lại khoản tiền cũng là hình thức thôi, còn thực tế khoản tiền đã chuyển về Việt Nam trót lọt.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Trần Hải Sơn.

10h40: Luật sư Trần Đình Triển quay lại truy xét bị cáo Trần Hải Sơn việc chào ụ nổi 83M và việc chia số tiền tham ô.

Nhiều câu hỏi từ luật sư Triển, bị cáo Sơn từ chối trả lời vì cho rằng đã khai tại cơ quan điều tra và đã trả lời HĐXX. Bị cáo Sơn tiếp tục điệp khúc: “Tôi xin thưa, tôi xác nhận lời khai và xin HĐXX đánh giá”.

10h32: Luật sư Trần Đình Triển tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Mai Văn Khang, Trần Hữu Chiều. 

10h25: Khai về số tiền đưa cho bị cáo Chiều, Sơn nói: "Anh Chiều không nói với bị cáo là anh Chiều vay tiền để làm gì. Anh Chiều vay 1 tỷ đồng và đã trả lại cho bị cáo". 

Số tiền 340 triệu đồng, bị cáo Sơn nói là đã khai. Đây là số tiền “bồi dưỡng”.

Bị cáo Sơn cũng thốt lên rằng: “Thưa với HĐXX, ở Vinalines có những luật bất thành văn. Việc chia tiền cho người này, người nọ mọi người đều tự hiểu”.

10h20: Quay lại truy xét về việc đưa tiền cho Phúc ở Hải Phòng, bị cáo Sơn nói không nhớ vào thời điểm nào (trưa, chiều, hay tối). Bị cáo Sơn cho biết, Sơn chưa từng đến nhà Phúc ở Hải Phòng, việc biết nhà là do anh Phúc cho địa chỉ. Tiền được Sơn để trong cặp. Khi đến nhà Phúc, người anh em tên Long đứng ở ngoài, còn Sơn vào trong nhà.

10h05: Đọc một số bút lục lời khai của bị cáo Sơn tại cơ quan điều tra, HĐXX đề nghị bị cáo Sơn nhớ lại, bị cáo rút tiền ở Ngân hàng Hàng hải ở Hải Phòng hay Hà Nội. Bị cáo Sơn ấp úng: "Bị cáo xin giữ quan điểm lời khai tại cơ quan điều tra".

"Việc chuẩn bị số tiền để chuyển cho các anh rất nhiều, đan xen, nên bị cáo không nhớ hết”, bị cáo Sơn phân bua.

9h51: Về việc bị cáo nhận khoản tiền 1,67 triệu USD, Sơn tiếp tục khẳng định do Dương Chí Dũng chỉ đạo chia tiền. Khi hỏi về căn cứ về việc đưa tiền cho Dũng và Phúc, bị cáo chắc chắn có sự việc, còn đánh giá là ở HĐXX.

Về nguồn tiền đưa cho Dũng ở Hải Phòng, bị cáo Sơn nói lấy của em gái tên Huyền. Đó là lần thứ hai đưa tiền cho Dũng.

Đối với bị cáo Phúc, bị cáo Sơn khai đưa 3 lần tiền. Lần đầu tiên đưa cho Phúc ở làng quốc tế Thăng Long 2,5 tỷ, bị cáo Sơn bảo lấy nguồn tiền của em gái tên Hà.

Lần thứ hai đưa cho Phúc 5 tỷ đồng khoảng 2-3 tuần sau đó. Lần này cũng đưa tại làng Quốc tế Thăng Long. Nguồn tiền được em gái tên là Huyền chuẩn bị. Bị cáo cũng rút tiền từ Ngân hàng Hàng hải 2 tỷ đồng nữa.

"Việc rút tiền ở Hà Nội hay Hải Phòng? Bị cáo không nhớ rõ nữa"- bị cáo Sơn nói.

9h45: Làm rõ việc làm báo cáo mua ụ nổi 83M, bị cáo Mai Văn Khang khai, "anh Chiều không nói với bị cáo làm báo cáo thế nào để mua bằng được ụ.  Trong đợt khảo sát, bị cáo Trần Hữu Chiều cũng nói rằng, Tổng Công ty chỉ đạo phải mua được ụ nổi. Do vậy, bị cáo Chiều nói với Dương hỗ trợ để mua được ụ nổi – bị cáo có chứng kiến việc anh Chiều “nhờ vả” bị cáo Dương".

Tình tiết đoàn chứng kiến ụ nổi hạ thủy chiếc canô và chứng kiến ụ nổi nổi lên một cách nhanh chóng, Khang cho biết khi đọc chi tiết này trong báo cáo của Dương đã phản ứng, cho là chỉ chứng kiến ụ nổi nổi lên một phần, không thấy hết quá trình nổi lên như nào. 

Mô tả ảnh.
Bị cáo Mai Văn Khang.

Một lời khai khác của Khang tại cơ quan điều tra cũng thể hiện, việc trao đổi với chủ ụ nổi tại Nga thể hiện đơn vị này chỉ chào hàng ụ nổi giá dưới 5 triệu USD nhưng thông tin này không được đưa vào báo cáo khảo sát. Khang thanh minh, sau đó thấy lời khai không đúng nên đã đề nghị được khai lại.

“Có đúng biết là sai nhưng do có chỉ đạo yêu cầu mua bằng được ụ nổi nên bị cáo vẫn ký nháy vào báo cáo giám sát, đề xuất mua?” – tòa truy. Khang đáp: “Bị cáo vẫn không hề ý thức là việc làm sai”.

9h35: Phân minh cho tội tham ô, bị cáo Dũng nói: “Nếu có làm chủ đích thì bị cáo liên hệ trực tiếp với ông Goh, bí mật bên ngoài chứ không bao giờ để cho mấy ông cấp dưới biết việc sắp đặt”.

9h25: “Tháng 10/2008 mới có chỉ định thầu xây dựng dự án nhưng tháng 7 ụ nổi đã về Việt Nam, như vậy chứng tỏ các bị cáo có động cơ?”, HĐXX truy vấn.

HĐXX đặt vấn đề, việc mua dự án ụ nổi 83M là một hạng mục của dự án sửa chữa đóng tàu biển phía Nam. Dự án chưa được phê duyệt nhưng các bị cáo đã mua ụ nổi? Bị cáo Dũng thừa nhận sai.

Mô tả ảnh.
Tòa thẩm vấn Dương Chí Dũng về quan hệ với ông Goh.

9h05: Tạm dừng thẩm vấn bị cáo Mai Văn Phúc, HĐXX truy vấn Dương Chí Dũng về quan hệ với ông Goh. Bị cáo Dũng cho biết có quan hệ với ông Goh từ năm 2000.

HĐXX đặt vấn đề về việc lời khai về mối quan hệ với ông Goh tại cơ quan điều tra, lúc đầu bị cáo chối, sau đó nhận, như vậy là sao? Bị cáo Dũng nói: Do bị cáo chưa hiểu điều tra viên hỏi vấn đề gì, đồng thời không muốn ảnh hưởng đến người khác. “Ngay sau đó bị cáo đã trả lời ngay”, bị cáo Dũng nói.

9h00: Nói về quan hệ với Dương Chí Dũng, bị cáo Phúc bảo hai người không hợp nhau. Tại một cuộc họp lãnh đạo, bị cáo Phúc nhắc lại rằng, bị cáo Dũng từng nói: “Nếu như anh không tổ chức mua ụ nổi 83M thì sẽ kỷ luật và đề nghị cách chức”. 

Tuy nhiên, lời khai này của Phúc bị Dương Chí Dũng phủ nhận ngay tại tòa. Bị cáo Dũng nói: “Thưa HĐXX, hoàn toàn không có chuyện đó ạ”.

8h55: Nói về số tiền tham ô, bị cáo Phúc khai: “Trước đây bị cáo nghĩ, Sơn không thể hoàn toàn chiếm giữ số tiền 1,67 triệu USD, nhưng giờ thì bị cáo thấy khác. Bị cáo không nghĩ Sơn lại khủng khiếp như vậy”.

8h45: Bị cáo Mai Văn Phúc được HĐXX truy vấn.

Bị cáo Phúc phủ nhận việc chỉ đạo Chiều. Bị cáo Phúc cũng khẳng định không giao nhiệm vụ cho ai trong đoàn khảo sát. Quyết định cho đoàn đi khảo sát cũng không phân vai trò của từng người, ai là trưởng đoàn, do Chiều là Phó Tổng GĐ nên đảm nhiệm việc làm trưởng đoàn luôn.

Bị cáo Phúc thừa nhận Chiều và Sơn có báo cáo về việc khảo sát ụ nổi sau khi khảo sát, nhưng bị cáo Sơn khẳng định: “Hoàn toàn không có việc báo cáo việc chào giá của công ty Nga dưới 5 triệu USD”.

8h40: Trả lời HĐXX về động cơ của hành vi Cố ý làm trái, bị cáo Chiều nói: “Động cơ của bị cáo là nhu cầu cần thiết trong việc sửa chữa tàu của tổng công ty là rất lớn”.

Bị cáo Chiều cũng phủ nhận động cơ trong việc tham ô tài sản.

Nói về động cơ vay số tiền 1 tỷ đồng của Sơn, bị cáo Chiều cho biết, ngoài việc dùng tiền chữa bệnh, bị cáo còn mua nhà, làm một số việc khác nữa.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Chiều là người đầu tiên bị xét hỏi.

8h30: Bị cáo Chiều cho biết, khi Phúc ký hợp đồng mua bán ụ nổi này vào tháng 3/2008 thì bị cáo Chiều làm tờ trình. Trả lời HĐXX về việc, giá chào hàng dưới 5 triệu USD, hợp đồng mua là 9 triệu USD, bị cáo Chiều nói: “Giá mua ụ nổi 9 triệu là mua thông qua Công ty AP”.

Nói đến tội tham ô tài sản, bị cáo Chiều phân bua: “Tiền tham ô bị cáo không được chia, số tiền 340 triệu là do lúc đó bị cáo đang ở hoàn cảnh ốm đau”.

8h15: Truy xét lại một số lời khai của bị cáo Trần Hữu Chiều tại cơ quan điều tra, bị cáo Chiều cho nói: “Bị cáo nghe loáng thoáng giá trị ụ nổi dưới 5 triệu USD”.

Bị cáo Chiều vẫn khẳng định không gặp Dũng và Phúc trước khi đi khảo sát ụ nổi 83M.

Sau khi đi khảo sát về, bị cáo Chiều có báo cáo với Mai Văn Phúc. Khi báo cáo với Phúc, Sơn nói công ty của Nga chào giá với giá 5 triệu USD. “Lúc đó anh Phúc không có chỉ đạo gì. Anh Phúc có hỏi hoa hồng của vụ ụ nổi như thế nào?”, bị cáo Chiều khẳng định.

Tòa yêu cầu đứng lên đối chứng lời khai này luôn. Sơn gật đầu.

8h05: HĐXX bắt đầu ngày làm việc thứ 5 phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Mở đầu ngày làm việc, bị cáo Trần Hữu Chiều được HĐXX truy xét về việc “ụ nổi có phải là tàu biển hay không?”. Bị cáo Chiều cho biết, bị cáo nhận thức ụ nổi không phải là tàu biển nhưng nó hoạt động theo quy phạm của tàu biển.

Mô tả ảnh.
Dương Chí Dũng đến rất sớm và đang trao đổi với luật sư của mình.

8h00: Các bị cáo được đưa vào phòng xét xử. Giống như những ngày xử trước, bị cáo Dương Chí Dũng được đưa vào phòng xử từ rất sớm. Bị cáo Dương Chí Dũng và luật sư Trần Đại Thắng có những thảo luận trước khi HĐXX vào làm việc.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn