Từ Liêm bị tố làm sai số liệu 2 quận mới

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đại biểu HĐND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên cho rằng UBND huyện làm sai số liệu trong đề án điều chỉnh địa giới để thành lập 2 quận mới.

Nghi vấn "làm đẹp thống kê"

Trong kiến nghị gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan, ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã đưa ra nhiều sai sót của đề án điều chỉnh địa giới huyện này. Ông Kiên là người duy nhất tại HĐND huyện Từ Liêm không biểu quyết thông qua việc lập 2 quận mới mà yêu cầu chỉ thành lập 1 quận Từ Liêm vào ngày 5/12.

Cụ thể, dân số của quận Bắc Từ Liêm gồm dân của 9 xã (Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế) và 10.126 người thuộc thị trấn Cầu Diễn, tổng cộng là 329.944 người. Tuy nhiên, đề án có nêu sáp nhập 9,3 ha thuộc xã Xuân Phương nằm ở phía Bắc quốc lộ 32 vào địa giới quận này thì lại không tính đến số dân sống ở khu vực này.

Cánh đồng rộng lớn bên con đường dẫn vào xã Thượng Cát (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Nhiều khả năng Thượng Cát sẽ trở thành phường cực Bắc của nội thành Thủ đô.
Cánh đồng rộng lớn bên con đường dẫn vào xã Thượng Cát (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Nhiều khả năng Thượng Cát sẽ trở thành phường cực Bắc của nội thành Thủ đô. (Ảnh VNE)

Theo đề án, mật độ dân số quận Bắc Từ Liêm là 7.613 người/km2, đạt mức quy định là 7.000 người/km2. Tuy nhiên, con số này ở quận Nam Từ Liêm chỉ là 6.920 người/km2.

Đại biểu Kiên chỉ ra rằng những người xây dựng đề án đã chuyển 10.126 người từ xã Phú Diễn (theo đề án nằm trên địa giới của quận Bắc Từ Liêm) sang cư trú tại quận Nam Từ Liêm, trong đó Cầu Diễn là 5.364 người và Mỹ Đình là 4.893 người. Theo ông Kiên, nếu không có số người kể trên thì mật độ dân số ở quận Nam Từ Liêm sẽ còn thấp hơn nữa so với tiêu chuẩn về mật độ dân số tối thiểu theo quy định của Chính phủ.

Trong đề án cũng có sai sót về số liệu gây ra giảm số người dân tại xã Cổ Nhuế. Cụ thể, xã này có dân số là 78.295 người nhưng khi tách ra thành 2 phường, cộng dân hai phường mới lại thì tổng số dân chỉ là 77.834 người, tức là thiếu 461 người...

Đại biểu Kiên cũng cho rằng, nếu chấm điểm hệ thống hạ tầng đô thị của toàn huyện Từ Liêm thì chỉ đạt nhỉnh hơn 70 điểm vì còn nhiều xã vẫn chưa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Thậm chí có xã đạt rồi như Tây Tựu thì vẫn còn nợ chỉ tiêu do 3 tuyến đường chưa làm xong hay xã Thụy Phương có thôn Tân Nhuệ đạt làng văn hóa nhưng vẫn chưa hề có nhà văn hóa phải họp nhờ nhà dân và bằng công nhận Làng văn hóa cũng treo nhờ nhà dân.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Kiên, những chênh lệnh số liệu nêu trên cho thấy công tác chuẩn bị đề án là quá sơ sài và có dấu hiệu của việc “làm số” nhằm đạt yêu cầu tối thiểu theo quy định. Ông cũng kiến nghị nên thành lập 1 quận thay vì 2 quận vì chưa đủ điều kiện.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo huyện Từ Liêm cho biết, các số liệu theo đề án của huyện Từ Liêm đã được các bộ ngành thẩm định nên không thể có sai sót trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, đề án có một số nội dung cần điều chỉnh và nguyên nhân điều chỉnh thì huyện đã làm rõ với cơ quan có thẩm quyền.

"Thành lập 2 quận mới là ý chí, nguyện vọng của người dân và hầu hết đại biểu HĐND huyện, chỉ có một đại biểu Kiên phản đối, cho thấy ông Kiên cố tình đi ngược lại nguyện vọng của người dân", vị lãnh đạo này nhận xét.

Trước đó, ngày 5/12, HĐND H.Từ Liêm đã thông qua đề án tách H.Từ Liêm thành 2 quận. Một ngày sau đó, HĐND TP.Hà Nội cũng đã thông qua đề án này.

Mô tả ảnh.
Các đại biểu thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm - Ảnh: Thanh Niên

Tăng cán bộ, tăng quỹ lương...

Nêu quan điểm riêng, ông Kiên ủng hộ nâng H.Từ Liêm thành quận nhưng không đồng ý tách thành hai quận vì sẽ tăng số lượng cán bộ, tăng quỹ lương, xây trụ sở mới... gây tốn kém ngân sách.

Ông Kiên cho rằng, việc thành lập 2 quận như vậy sẽ dẫn tới phát sinh một bộ máy hành chính mới với khoảng 500 - 700 công chức, cùng với đó là xây dựng hệ thống trụ sở, sân vận động, viện kiểm sát mới, công an mới,… một loạt các vấn đề cần phải xây dựng.

Trước một số ý kiến lý giải nếu chỉ thành lập quận Từ Liêm và giữ nguyên hiện trạng thì quá lớn và không quản lý được. Theo ông Kiên, “tại sao lớn quá thì sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội làm gì. Trung Quốc là một nước lớn như vậy mà cũng chỉ có 22 tỉnh và 11 cơ quan ngang tỉnh. Hàn Quốc có diện tích cũng tương đương diện tích nước ta cũng chỉ có 8 tỉnh.

Còn trong nước, ở TP.HCM, quận Gò Vấp có số dân 550.000 người cũng chỉ thành lập 1 quận, hay phường 12 của quận Gò Vấp, hẳn  100.000 người sao họ vẫn quản lý được. Nếu thành lập 2 quận sẽ phát sinh ra một số lượng lớn công chức và trụ sở phải xây dựng. Trong bối cảnh kinh tế như thế này có nên không?”.

Ông Kiên khẳng định, việc tách Từ Liêm thành 2 quận cũng không phù hợp với Hiến pháp vừa được thông qua: “Ta chủ trương thành lập chính quyền đô thị gồm 2 cấp, cấp thành phố và cấp phường. Tại sao lại sinh ra thêm một bộ máy cồng kềnh như vậy, về sau nếu triển khai theo Hiến pháp thì phần trung gian là quận này sẽ đưa đi về đâu, nó không phù hợp với thực tiễn”.

Ông Kiên cũng cho biết thêm tại phiên họp HĐND ngày 5/12, chỉ trong thời gian ngắn, các đại biểu phải xem hết tập tài liệu về đề án tách H.Từ Liêm thành hai quận dày gần 80 trang giấy và bấm nút quyết định. “Riêng tôi, sau 7 buổi tối và 2 ngày nghỉ, nghiên cứu cật lực mới thấy được nhưng sai phạm, bất cập trên”, ông Kiên nói.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn