Ăn quá nhiều muối
Khi chúng ta ăn muối quá nhiều, sẽ tăng gánh nặng cho thận, làm thận bị tổn thương. Làm thế nào để biết lượng muối chúng ta ăn vào nhiều hay ít? Theo các chuyên gia y tế, đối với người trưởng thành khỏe mạnh, mỗi ngày ăn quá 6 gram muối được xem là nhiều.
Đối với trẻ em, mỗi ngày không nên ăn quá 3 gram muối.
Mách các bạn một mẹo nhỏ để kiểm soát hiệu quả lượng muối ăn vào cơ thể: Khi chế biến thức ăn nhất là các món rau, nên để lúc vừa chín tới, chuẩn bị cho ra đĩa mới nêm muối vào.
Việc ăn ít muối đều phù hợp với tất cả những người khỏe mạnh, nhất là đối với người mắc bệnh cao huyết áp, xơ gan, viêm thận, bệnh tim.
Dùng thuốc kháng sinh bừa bãi
Nhiều người, đặc biệt trẻ nhỏ, đã vội dùng kháng sinh loại nặng khi bị hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Thói quen dùng kháng sinh bừa bãi này rất nguy hiểm bởi chúng có tác hại lớn cho thận và nguy cơ suy thận có thể xảy ra trong tương lai gần.
Lạm dụng thực phẩm chức năng
Lạm dụng dùng thực phẩm chức năng làm đẹp, giảm béo, điều trị bệnh lý, gây ảnh hưởng đến chức thận. Đặc biệt, các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm. Rất nhiều sản phẩm chức năng bán trôi nổi trên thị trường có pha trộn thêm thành phần thuốc biệt dược. Sử dụng các thực phẩm kéo dài tạo gánh nặng cho thận.
Dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn không cân đối như nhiều chất béo ít rau xanh gây ra các bệnh lý thừa cân, béo phì, tiểu đường. Biến chứng của các bệnh lý trên có thể gây ra suy thận. Thói quen ăn uống mất vệ sinh thực phẩm cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Tình trạng này kéo dài không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy thận cấp.
Bên cạnh đó, việc dùng các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt đóng hộp, dăm bông, hun khói, có chứa các chất bảo quản cũng gây ảnh hưởng tới chức năng thận.
Cơ thể thiếu nước
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc TàoTuyết Cần từng nói: "Cơ thể phụ nữ được tạo nên từ nước". Thực tế, thành phần trong cơ thể người chủ yếu là nước, không kể gì là nam hay nữ.
Một nghiên cứu cho thấy, uống ít nước sẽ làm cho cơ thể thiếu nước, gây hại cho chức năng của mạch máu, từ đó dẫn đến bệnh thận mãn tính, bệnh tim mạch, tỉ lệ mắc bệnh tương đương với việc hút thuốc.
Nếu chúng ta uống ít nước, sẽ dẫn đến nồng độ canxi trong nước tiểu tăng cao, đóng cặn, dẫn đến bệnh sỏi thận. Hàng ngày bạn nên cung cấp một lượng nước vừa đủ cho cơ thể, nhất là những ngày hè nóng nực, cần tăng cường uống nước.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, trong môi trường nhiệt độ bình thường, một người phụ nữ trưởng thành cần uống 2,2 lít nước/ngày, đàn ông trưởng thành uống 2,9 lít nước/ngày. Còn đối với người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em đều cần lượng nước giống như người bình thường.
Thường xuyên nhịn tiểu
Người đời có câu: "Nhẫn nhịn một chút trời yên biển lặng", tuy nhiên nếu chúng ta nhịn tiểu thì thận sẽ không được yên ổn.
Nhịn tiểu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu, vả lại sau khi nhịn tiểu, vi khuẩn dễ xâm nhập theo đường niệu quản, dẫn đến viêm thận. Ngoài ra, những người thường xuyên nhịn tiểu, lâu ngày sẽ mất đi cảm giác buồn tiểu, đây là nguyên nhân gây ra bệnh viêm bàng quang.