Virus Zika nguy hiểm đến mức nào?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika khiến người dân vô cùng lo lắng về khả năng bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Virus Zika xuất hiện tại Việt Nam là không ngạc nhiên

Ông Masaya Kato - Trưởng nhóm về phòng bệnh truyền nhiễm, WHO tại Việt Nam - cho biết: "Việc phát hiện hai trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên bởi hai lý do.

Thứ nhất, muỗi truyền virus Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, trong khi đó bệnh sốt xuất huyết lưu hành rộng rãi ở Việt Nam. Thứ hai, các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia đã có báo cáo ca bệnh.

WHO liên tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác chuẩn bị cũng như ứng phó với dịch bệnh. Điều đáng nói là người mắc thường tự khỏi, khoảng 80% trường hợp nhiễm không có biểu hiện triệu chứng nên người dân không nên quá lo lắng.

WHO cũng nhận định, công tác giám sát vô cùng quan trọng. Cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện kịp thời các ca mắc mới.

Việt Nam hoàn toàn chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika
 Hạn chế muỗi đốt giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus Zika

Người dân không nên lo lắng về virus Zika

Chiều ngày 5/4, Bộ trưởng Tiến đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. HCM về việc phòng chống lây lan virus Zika trên địa bàn sau khi một phụ nữ 33 tuổi (ngụ quận 2), mang thai tuần thứ 8 phát hiện dương tính với virus Zika.

Theo Bộ trưởng Tiến, trước khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch phòng, chống nên hoàn toàn chủ động để ứng phó.

Muỗi vằn đốt là nguyên nhân lây truyền virus Zika và sốt xuất huyết nhưng bệnh do virus Zika không nguy hiểm bằng sốt xuất huyết; bệnh nhân bình thường nhiễm virus Zika nhẹ, có thể tự khỏi sau khoảng 10 ngày. Người dân không đi vào vùng có dịch, cần chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng, ngủ mắc màn để tránh bị muỗi đốt; chủ động phòng chống virus Zika, để không lây lan trong cộng đồng.

Về phía Sở Y tế, chính quyền TP. HCM, Bộ trưởng Tiến đánh giá cao công tác giám sát, thực hiện chiến dịch phòng chống virus Zika thời gian qua tại các bệnh viện quận, huyện. Bộ trưởng Tiến yêu cầu tiếp tục tăng cường giám sát hơn nữa tại các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi. Với trường hợp nghi nhiễm virus Zika, cần tổ chức xét nghiệm chéo để cho kết quả chính xác nhất.

Về trường hợp nữ bệnh nhân mang thai 33 tuổi dương tính với virus Zika hiện đã đi làm trở lại. Bộ trưởng Tiến yêu cầu nghành y tế TP. HCM lấy mẫu máu làm xét nghiệm đối với con nhỏ của nữ bệnh nhân, đồng thời khuyến khích xét nghiệm cả người chồng để kiểm soát nếu phát hiện dương tính với virus Zika.

Sự nguy hiểm của virus Zika

Bắt đầu từ tháng 2/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá virus Zika cũng nguy hiểm và nghiêm trọng như dịch Ebola đã từng cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người tại Tây Phi và bắt đầu thông báo Tình trạng khẩn cấp toàn cầu.  Theo ước tính của WHO, sẽ có 4 triệu người có thể bị nhiễm virus Zika trong năm 2016.

Zika là một loại virus lây truyền qua muỗi Aedes – loại muỗi truyền sốt xuất huyết và sốt vàng da. Muỗi Aedes chỉ cần 3 ngày nghỉ ngơi có thể đẻ trứng liên tục, những quả trứng có thể tồn tại lên đến 1 năm mà không cần nước, khi gặp nước sẽ lập tức nở thành ấu trùng.

Ngoài lây truyền qua đường muỗi đốt, virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và đường tình dục. ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện có trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ.

Các trường hợp nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Tuy nhiên người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng, chỉ có khoảng 20% có các biểu hiện nhẹ như sốt, phát ban, đau khớp, viêm kết mạc mắt, số còn lại không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn.

2 biến chứng hay gặp nhất ở virus Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai. Tại Brazil đã ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc tật đầu nhỏ, trong đó ít nhất 40 trường hợp tử vong. Biến chứng thứ hai là gây hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.

Khả năng bùng phát dịch bệnh do virus Zika ở Việt Nam là rất lớn
Khả năng bùng phát dịch bệnh do virus Zika ở Việt Nam là rất lớn
(Xã hội) - (Phunutoday) - Đại diện Bộ Y tế cho biết, con đường truyền bệnh của virus Zika hiện nay tại VN là muỗi vằn mà nước ta lại nằm trong vành đai sốt xuất huyết.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn